Báo động tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên
Hiện tình trạng trẻ vị thành niên (VTN) mang thai, sinh con không còn là hiếm mà đã trở thành vấn nạn báo động của toàn xã hội. Theo các bác sĩ, việc mang thai và sinh nở khi còn quá sớm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.
Nhiều hệ lụy khi mang thai ở tuổi VTN
Vừa qua, theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ bệnh viện đã tiếp nhận đỡ đẻ cho một sản phụ mới chỉ 13 tuổi, đẻ thường, em bé chào đời nặng 2,9kg.
Bé gái này được chuyển cấp cứu từ tuyến dưới lên khi tới viện, các bác sĩ vừa đưa vào phòng sinh thì sản phụ đã đẻ ngay. Sau sinh, sức khỏe hai mẹ con bình thường, hiện đã ra viện.
Tương tự, tại Khoa Sức khỏe VTN - Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận điều trị một trẻ 14 tuổi, mang thai và không có kiến thức làm mẹ ở tuổi vị thành niên. Hay trước đó, tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã tiếp nhận một nữ sinh sinh con. Cô gái trẻ sinh năm 2009 phát hiện mình mang thai khi vừa học hết lớp 11, rất may mắn vì mẹ tròn, con vuông.
Theo bác sĩ Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đây không phải trường hợp đầu tiên Khoa tiếp nhận các sản phụ còn là học sinh lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Thực tế cho thấy, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, gia đình chưa quan tâm, bị lạm dụng hay không ít trường hợp đơn giản chỉ là tò mò đã khiến trẻ VTN mang thai. Đáng lo ngại, có những em không hề biết là mình đang mang thai. Chỉ đến khi gia đình nhận thấy bất thường và đưa đi khám, tuổi thai đã rất lớn.
Qua tư vấn và trao đổi, các bác sĩ nhận thấy hầu hết các em đều không có kiến thức về phòng tránh thai hay sức khỏe sinh sản. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp thai 32 tuần tuổi gia đình mới biết.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe VTN, Bệnh viện Nhi Trung ương: VTN là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục.
Đồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Đặc biệt bác sĩ Loan lưu ý, mang thai ở tuổi VTN trẻ dễ gặp những nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ. Cụ thể, mang thai ở tuổi VTN ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh thường hay đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
Cùng với đó, tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi VTN trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ VTN thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.
“Bên cạnh đó, về mặt kinh tế - xã hội, khi có thai ở tuổi VTN trẻ phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm dễ bị bế tắc, ảnh hưởng đến tương lai. Trẻ dễ bị phân biệt đối xử. Đặc biệt, khi làm mẹ sớm trẻ dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý”, bác sĩ Loan phân tích.
Phòng ngừa mang thai ở tuổi VTN
Cũng do mặc cảm, xấu hổ nên khi có thai ngoài ý muốn trẻ VTN thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn. Theo các chuyên gia, nếu trẻ VTN nạo, phá thai sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, đặc biệt nguy cơ có thể dẫn đến vô sinh.
Để hạn chế tình trạng nạo, phá thai ở trẻ VTN, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ trên cơ sở phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.
Bác sĩ Loan cho biết, VTN là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi này, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Các bậc phụ huynh và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
Hiện nay, Khoa Sức khỏe VTN, Bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang thực hiện các chương trình giáo dục giới tính, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục lồng ghép các chương trình giáo dục tại các trường học nhằm giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở trẻ trong độ tuổi này.
Tương tự, trong tháng 4/2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, phòng Giáo dục Đào tạo các quận huyện trong Thành phố tổ chức các buổi Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên tại các điểm trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
Tại các buổi Giáo dục sức khỏe, các bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện, trung tâm y tế đã mang đến cho học sinh những nội dung về giới tính, tình bạn, tình yêu, tình dục, phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới nội dung các nguy cơ và cách phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.Thông qua buổi truyền thông đã trang bị cho các em học sinh những kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe tuổi VTN, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý, cũng như nâng cao sức khỏe cho bản thân…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-dong-tinh-trang-mang-thai-o-tuoi-vi-thanh-nien-155675.html