Báo động tình trạng ngộ độc ở vùng cao Cao Bằng sau nhiều học sinh ngộ độc vì uống nước ngọt không rõ nguồn gốc

Gần đây một số trường học ở vùng cao của tỉnh Cao Bằng xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh uống các loại nước ngọt rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chữ nước ngoài in trên nhãn mác. Sự việc một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn thực phẩm nơi vùng cao.

Ngộ độc vì dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc

Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, chiều 21/9, 8 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học Cơ sở Cốc Pàng (xã Cốc Pàng) xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, được đưa đến Trạm Y tế xã điều trị.

Trước đó, các em đã ra cổng trường mua nước ngọt Coca Cola có in chữ nước ngoài về uống, sau khi uống khoảng 30 phút xuất hiện các triệu chứng nói trên và được nhà trường đưa đi cấp cứu ở Trung tâm Y tế. Ngày 23/9 lại có 24 học sinh tiếp tục mua loại nước ngọt nói trên về uống và xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy được đưa đến Trạm Y tế xã, trong đó có 6 em có biểu hiện nặng phải đưa lên Trung tâm Y tế huyện điều trị.

Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế có biện pháp kịp thời khám, điều trị cho các học sinh có biểu hiện nặng; lấy mẫu thực phẩm đi xét nghiệm; tiến hành kiểm tra, thu hồi các sản phẩm có liên quan; tuyên truyền vận động cho người dân, phụ huynh, học sinh không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bác sĩ đang cấp cứu cho trường hợp học sinh bị ngộ độc. Ảnh SL

Bác sĩ đang cấp cứu cho trường hợp học sinh bị ngộ độc. Ảnh SL

Trước đó, ngày 7/9, sau khi ăn các loại kẹo sữa, nước đóng gói bán ở cổng trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, 25 học sinh Trường Tiểu học Việt Chu ở xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng bị đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, nghi bị ngộ độc; trong đó có 6 trẻ phải nhập viện

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Ở huyện Bảo Lạc có đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô sinh sống xen kẽ với nhau. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, các em học sinh phải theo học nội trú. Các vụ ngộ độc xảy ra như trên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhà trường, phụ huynh và học sinh về ATTP khi nhận thức của học sinh dân tộc vẫn còn hạn chế.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, quán ăn vặt, nhất là khu vực gần các trường học tiềm ẩn lớn. Nguyên nhân hàng đầu khiến người dân bị ngộ độc thực phẩm là do khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc bày bán ngoài trời mà không che đậy hoặc che đậy không kỹ, không được bảo quản lạnh... đều khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố.

Thời tiết hiện thay đổi thất thường cũng là điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh. Bởi vậy ngay cả khi được chế biến đúng cách, đảm bảo an toàn thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra.

Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm sau các vụ ngộ độc đã được nhà trường ở vùng cao đã tích cực tuyên truyền trong các buổi chào cờ, ngoại khóa... Hằng ngày cử đội cờ đỏ kiểm tra không cho học sinh ăn quà vặt trong trường, yêu cầu phụ huynh quản lý tiền tiêu vặt để bảo vệ sức khỏe con em mình... Cùng với công tác tuyên truyền về VSATTP kiến thức về dinh dưỡng được lồng ghép giúp giáo viên, học sinh nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể trường cũng như sử dụng các thực phẩm có độc tố tự nhiên. Thực tế, nhiều vụ ngộ độc xảy ra còn do người dân vùng cao ăn cóc, ngóe, nấm, cây và các loại hoa quả rừng…

Q.Đạt – H.My

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-dong-tinh-trang-ngo-doc-o-vung-cao-cao-bang-sau-nhieu-hoc-sinh-ngo-doc-vi-uong-nuoc-ngot-khong-ro-nguon-goc-16923092709323632.htm