Điều không nên làm sau khi bị 'cắm sừng'

Dù đau khổ đến đâu, người bị phản bội nên tránh tìm kiếm sự đồng cảm trên mạng xã hội, cũng như hạn chế bôi nhọ đối phương.

 Bị phản bội trong tình cảm khiến nhiều người có những hành động thiếu suy nghĩ. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Bị phản bội trong tình cảm khiến nhiều người có những hành động thiếu suy nghĩ. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Bị "cắm sừng" trong tình yêu có lẽ là một trong những trải nghiệm để lại nhiều đau đớn nhất. Người mình yêu thương lừa dối thường gây nên những tổn thương sâu sắc, cũng như làm chúng ta nghi ngờ niềm tin của chính bản thân mình.

Theo đó, hậu chia tay thường là thời điểm quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chữa lành của mỗi người. Đây còn là khoảng thời gian chúng ta dễ bột phát những hành động thiếu suy nghĩ và để lại những hậu quả khó lường.

Dưới đây, Marty Klein, nhà trị liệu tình dục Mỹ, liệt kê 4 việc nên tránh làm, giúp vượt qua cuộc chia tay dễ dàng hơn.

 Mọi người nên dành thời gian suy ngẫm cẩn thận cũng như điều hòa cảm xúc của mình trước khi làm bất cứ thứ gì hậu chia tay. Ảnh minh họa: Yroslava Mazyr/Pexels.

Mọi người nên dành thời gian suy ngẫm cẩn thận cũng như điều hòa cảm xúc của mình trước khi làm bất cứ thứ gì hậu chia tay. Ảnh minh họa: Yroslava Mazyr/Pexels.

Hạ những quyết định quan trọng

Sau khi phát hiện bị lừa dối, phản ứng thông thường của nhiều người là ra những quyết định xử lý nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo Marty từng chia sẻ qua Psychology Today, đây không phải là phương án hiệu quả.

Không ai nên đưa ra một quyết định quan trọng khi họ đang phải trải qua những cảm giác tiêu cực. Dù vậy, mỗi ngày, những người đau khổ vì bị phản bội đều cố gắng hạ những quyết định quan trọng.

Họ "biết" họ muốn ly hôn. Họ "phải" trải lòng với con cái. Họ "buộc phải" liên lạc với người thứ ba, Marty chia sẻ.

 Những lời khuyên hậu chia tay vì bị phản bội trên mạng xã hội có thể phản tác dụng. Ảnh minh họa: Greta Hoffman/Pexels.

Những lời khuyên hậu chia tay vì bị phản bội trên mạng xã hội có thể phản tác dụng. Ảnh minh họa: Greta Hoffman/Pexels.

Tìm đến mạng xã hội

Hiện nay, mọi người thường đổ xô lên mạng khi gặp khó khăn để tìm những người có thể đồng cảm với mình.

Tuy nhiên, nhiều câu chuyện trên mạng đều đến từ những người chọn trả thù hơn là chữa lành tình cảm sau chia tay. Việc tiếp thu ý kiến đóng góp của họ có thể kéo chúng ta xuống lối đi hủy diệt tương tự.

Marty giải thích rằng sự phản bội có thể gây nhiễu loạn đến mức người bị phản bội phải đi kiếm lời giải thích hợp lý như thể đó là một căn bệnh.

Thêm vào đó, những trang web với hàng loạt bài đăng về phản bội tràn lan trên mạng xã hội giống như ổ bánh mì hết đát cho những người đói khát vậy. Chúng không thực sự hữu hiệu, nhưng họ cho rằng "có còn hơn không".

Theo đó, mọi người nên tránh tìm và áp dụng những lời khuyên từ trên mạng xã hội, đặc biệt là từ những người cũng đang vật lộn với nỗi đau tình yêu. Nguyên nhân là cảm xúc của chúng ta có thể dễ dàng bị ảnh hưởng tiêu cực.

 Marty cảnh báo rằng tiết lộ đầy đủ chuyện phản bội cũng sẽ dẫn đến nhiều tranh cãi hơn thay vì bồi đắp lại lòng tin cho cả hai. Ảnh minh họa: Ba Tik/Pexels.

Marty cảnh báo rằng tiết lộ đầy đủ chuyện phản bội cũng sẽ dẫn đến nhiều tranh cãi hơn thay vì bồi đắp lại lòng tin cho cả hai. Ảnh minh họa: Ba Tik/Pexels.

Ép cung đối phương

Mọi người có hàng nghìn thắc mắc dành cho đối phương sau khi bị họ phản bội là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, Marty khuyến khích chúng ta nên tránh "ép cung" người kia đặc biệt với những câu chuyện mà chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để nghe.

Marty giải thích rằng người bị lừa dối có thể cần biết một số điều từ đối phương để có thể bắt đầu đánh giá mối quan hệ và cân nhắc lại nhu cầu của mình.

Tuy nhiên, họ không cần biết quá chi tiết rằng nửa kia của họ đã phản bội ra sao, làm chuyện tồi tệ với họ bao nhiêu lần, với ai và ở đâu. Hấp thu những thông tin như vậy không khác nào tiêu thụ đồ ăn không chứa calory.

 Suy nghĩ cực đoan không làm mình chữa lành tổn thương nhanh hơn. Ảnh minh họa: Monstera Production/Pexels.

Suy nghĩ cực đoan không làm mình chữa lành tổn thương nhanh hơn. Ảnh minh họa: Monstera Production/Pexels.

Suy nghĩ bôi nhọ

Khi phát hiện sự không chung thủy từ nửa kia, bản năng muốn bôi nhọ thường sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.

Nhiều người sẽ gán cho đối phương cái mác "kẻ phản bội" như một phẩm chất bẩm sinh và gạt bỏ mọi hành động quan tâm chân thành của họ trước đó, Marty cho hay.

Quan điểm đơn giản hóa quá mức này bỏ qua sự phức tạp của các mối quan hệ, trong đó "kẻ phản bội" thực chất vẫn có thể yêu bạn đời của mình và thành thật trong các khía cạnh khác của cuộc sống.

Thêm vào đó, lối suy nghĩ cực đoan này còn dễ gây đau khổ hơn là việc bị lừa dối cũng như gây ảnh hưởng nhiều hơn đến những người xung quanh.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dieu-khong-nen-lam-sau-khi-bi-cam-sung-post1482940.html