Báo động tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng và đáng báo động. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này là điều không ít người trăn trở…

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này phải kể đến tâm sinh lý tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi, nhận thức pháp luật kém, gia đình quản lý chưa chặt chẽ, tác động tiêu cực từ các nền tảng mạng xã hội…

Quang cảnh một phiên tòa hình sự của TAND tỉnh, trong vụ án có nhiều bị cáo ở lứa tuổi vị thành niên. Ảnh: MINH NHÂN

Quang cảnh một phiên tòa hình sự của TAND tỉnh, trong vụ án có nhiều bị cáo ở lứa tuổi vị thành niên. Ảnh: MINH NHÂN

Số vụ và số bị cáo gia tăng

Liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, từ ngày 1/10/2023-31/8/2024, TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý 35 vụ/162 bị cáo (so với cùng kỳ tăng 19 vụ/117 bị cáo).

Mới đây, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND tỉnh) đưa ra xét xử bị cáo L.Đ.T (SN 2004) về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và tội gây rối trật tự công cộng; bị cáo L.P (SN 2004, cùng trú xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và tội gây rối trật tự công cộng; cùng 18 đồng phạm trong vụ án này về tội gây rối trật tự công cộng.

Trong 2 ngày diễn ra phiên tòa, rất nhiều trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã trợ giúp pháp lý cho các bị cáo ở lứa tuổi vị thành niên, trong đó nhiều bị cáo còn đang đi học. Trong số đó có bị cáo chưa nhận thức được mức độ hành vi phạm tội của bản thân; có bị cáo đến tòa trễ khiến cả hội đồng xét xử phải chờ đợi, vì lỡ… ngủ quên; có bị cáo hồn nhiên cười nói sau giờ nghị án. Chỉ số ít bị cáo rơi nước mắt, lo lắng, sợ hãi…

Theo hồ sơ vụ án, ngày 8/10/2022, qua mạng xã hội, L.Đ.T mua 1 khẩu súng ngắn và 49 viên đạn với giá 6,2 triệu đồng, sau đó đem súng về nhà cất giấu. 2 ngày sau, T mang khẩu súng gắn 2 viên đạn ra cánh đồng sau nhà thử súng. T đã bắn 1 viên đạn, viên còn lại rớt ở nơi thử súng. Sau đó, T đem súng và 47 viên còn đạn còn lại ra gần chuồng gà phía sau nhà chôn xuống đất cất giấu. Tối 25/6/2023, L.P cho rằng nhóm của L.M.D (ở cùng thôn) ném chai bia vào nhà mình nên gọi điện cho một số bạn đến nhà để giúp đi tìm đánh nhóm D. Biết T có súng đạn nên P nói T mang theo. T đã mang theo súng gắn 4 viên đạn đến nhà P. Sau đó, P rủ thêm 5 người bạn. Mấy người bạn này lại rủ rê thêm 13 người nữa để đi đánh nhau.

Cả nhóm mang theo súng đạn, cây chỉa ba, vỏ chai bia, dao, mã tấu, kiếm, bom xăng đi trên 12 mô tô tìm đánh nhóm của D. Trên đường di chuyển, các đối tượng mang theo hung khí, la hét, chạy nẹt pô gây mất ANTT trên nhiều tuyến đường ở huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa. Khi đi qua khu vực chợ Trại Bò gần bến xe Thuận Thảo, T đã bắn 1 phát đạn chỉ thiên. Sau đó, lực lượng tuần tra Công an xã Hòa Trị phát hiện nên nhóm của P bỏ chạy, làm rơi tại hiện trường 3 viên đạn.

Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng, khẩu súng mà T sử dụng thuộc vũ khí quân dụng, có khả năng gây sát thương, nguy hại tính mạng, sức khỏe con người. 43 viên đạn là đạn thể thao, còn sử dụng được.

Sau khi xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hội đồng xét xử tuyên phạt 2 bị cáo L.Đ.T và L.P 6 năm tù; 14 bị cáo bị phạt từ 1 năm đến 1 năm 9 tháng tù; 4 bị cáo được hưởng án treo.

Tham dự phiên tòa này, nhiều người lớn lắc đầu cho rằng, may mà 20 bị cáo nói trên đang đi trên đường để tìm đối tượng đánh nhau thì bị công an phát hiện. Nếu không được phát hiện kịp thời, với số hung khí đều có thể gây chết người, không biết các bị cáo này sẽ gây ra hậu quả khôn lường ra sao…

Tuyên truyền, giáo dục là giải pháp hàng đầu

Theo ông Nguyễn Đình Đáng, đại diện Viện KSND tỉnh thực hành quyền công tố tại tòa, những năm gần đây, tình trạng người dưới 18 tuổi cấu kết thành băng nhóm, sử dụng hung khí đánh nhau dẫn đến hành vi giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng xấu đến TTATXH ở địa phương. Độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, như đánh nhau có vũ khí, giết người, mua bán, sử dụng ma túy, trộm cướp tài sản… Đây là vấn đề đáng quan ngại, bởi lẽ tội phạm vị thành niên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá nhân người phạm tội mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng.

Mới đây, TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về nhân cách, đạo đức. Ở độ tuổi này, các em phát triển nhanh về thể chất, nhưng tâm sinh lý thường bất ổn, thiếu các kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc, trẻ dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Trong khi đó, nhận thức pháp luật còn thấp, khi những đối tượng này thực hiện hành vi trái pháp luật, nếu chưa đến mức áp dụng hình phạt tù thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để thấy được tính nhân văn nhằm giáo dục và tạo cơ hội để sửa sai. Do đó cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, quan tâm, chia sẻ với sự tham gia chủ động, tích cực của gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất 7-15 năm tù) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình); người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra.

Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên

MINH NHÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/320815/bao-dong-tinh-trang-thanh-thieu-nien-vi-pham-phap-luat.html