Quảng Ninh đẩy mạnh vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự

Nhằm góp phần rút ngắn thời gian giải quyết, hạn chế đơn thư khiếu kiện, đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, bên cạnh việc áp dụng các chế tài, các đơn vị trong hệ thống thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

Chi cục THADS huyện Hải Hà phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người phải thi hành án dân sự tự nguyện thi hành án.

Chi cục THADS huyện Hải Hà phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người phải thi hành án dân sự tự nguyện thi hành án.

Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Nam cho biết: Vận động, thuyết phục là nguyên tắc hàng đầu trong THADS, các đơn vị trong hệ thống thi hành án dân sự tỉnh luôn xem công tác dân vận trong thi hành án có vai trò vô cùng quan trọng, tôn trọng sự tự nguyện của đôi bên, cưỡng chế chỉ là biện pháp cuối cùng.

Thực tế cho thấy, công tác vận động, thuyết phục trong giai đoạn THADS không phải là việc dễ dàng, vì ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là người phải thi hành án còn hạn chế. Nhiều đương sự khi được chấp hành viên giải thích, vận động, thuyết phục không hợp tác, nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, đi khỏi địa phương, khiếu nại vượt cấp, nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án.

Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Nam.

Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Nam.

Để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, theo ông Hoàng Đức Nam, người chấp hành viên cần phải thành thạo 2 kỹ năng, đó là cứng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng “mềm” trong việc giáo dục, thuyết phục. Chấp hành viên phải am hiểu các nội dung pháp luật; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, thủ tục về nghiệp vụ THADS. Bên cạnh đó, am hiểu về vấn đề xã hội, phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của địa phương, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của chính quyền địa phương cấp cơ sở và những người thân thích của đương sự.

Khi được phân công tổ chức thi hành vụ việc cần nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án, tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ gia đình, xác định thái độ của đương sự, mối quan hệ xã hội của các đương sự để tìm ra cách vận động, thuyết phục hiệu quả nhất. Quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên tích cực xác minh, làm rõ thông tin liên quan, điều kiện thi hành án, kiên trì vận động, thuyết phục, giải thích, giúp đương sự hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của bản thân.

Ông Nam nhấn mạnh: Việc đối thoại, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, chia sẻ tâm tư, hoàn cảnh đương sự cũng rất quan trọng. Người chấp hành viên thi thực thi nhiệm vụ phải nắm rõ bản chất vụ việc, có cái nhìn bao quát toàn bộ vấn đề, khi đó việc vận động mới thực sự thuyết phục, để đương sự và gia đình thấy rõ trách nhiệm của mình.

Bên cạnh giải pháp triển khai, một trong điểm mới trong công tác THADS trên địa bàn hiện nay là việc chủ động của chấp hành viên khi mời đại diện các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia đoàn để vận động, thuyết phục người đang chấp hành án phạt tù trong trại giam tự nguyện THADS. Ngoài ra, các đơn vị cũng chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải thích pháp luật đối với công dân. Với nỗ lực cao, nhiều vụ việc sau khi được vận động, thuyết phục, các đương sự tự nguyện thi hành, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết, hạn chế đơn thư khiếu kiện, đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án.

Tính từ tháng 10/2023 đến hết tháng 8/2024, các đơn vị THADS toàn tỉnh tiếp nhận tổng số 9.330 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 8.017 việc (tương ứng với trên 4.064 tỷ đồng), đã thi hành xong 6.343 việc (tương ứng với gần 587 tỷ đồng), tăng lần lượt 816 việc và trên 84,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Công Thành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quang-ninh-day-manh-van-dong-thuyet-phuc-trong-thi-hanh-an-dan-su-post525956.html