Báo động tình trạng tỉ suất sinh giảm

Ngày 15-10, Báo Phụ nữ TP HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn'.

Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội; cùng nhiều chuyên gia y tế, giáo dục, kinh tế, luật…

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân báo động tình trạng tỉ suất sinh giảm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới qua tham luận "Thách thức của Việt Nam trước năm 2045 và giải pháp cấp bách, đồng bộ".

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, ở thời điểm năm 2023, 38/42 nước thu nhập cao có tổng tỉ suất sinh dưới 2 liên tục nhiều năm, bình quân là 40 năm và không có nước nào đạt được tổng tỉ suất sinh trở lại mức xấp xỉ 1,9.

Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Lý Việt Trung

Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Lý Việt Trung

Đến khoảng năm 2030, 41/42 nước này sẽ có tổng tỉ suất sinh dưới 2,1, chiếm 99,3% dân số của 42 nước. Chỉ còn 1 nước là Israel, chiếm 0,7% dân số của 42 nước, đến năm 2030 tổng tỉ suất sinh nhiều khả năng vẫn trên 2,1. Hậu quả của việc giảm tổng tỉ suất sinh là lao động giảm, dân số giảm, quỹ hưu trí vỡ.

Nguyên nhân chính là vì lãnh đạo các nước, các chủ doanh nghiệp không coi việc tái tạo con người, tái tạo gia đình là điều kiện tiên quyết và là mục tiêu cao nhất để đất nước phát triển bền vững, để dân tộc trường tồn.

"Một xã hội coi kết hôn và sinh con chỉ là việc riêng, không liên quan đến nghĩa vụ công dân với đất nước, xã hội đó sẽ tự tiêu vong" – GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.

Giải pháp cốt lõi theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân là thay đổi triết lý quản trị đất nước - không lấy mục tiêu tăng trưởng GDP cao, liên tục nhiều năm làm mục tiêu hàng đầu mà phải lấy hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc làm mục tiêu cao nhất, tăng trưởng kinh tế là một công cụ quan trọng.

Đại biểu tham dự hội thảo

Đại biểu tham dự hội thảo

Chỉ khi đó, đất nước mới có đủ quyết tâm chính trị, lòng yêu nước và trí tuệ để thay đổi chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, làm cho kết hôn và sinh con, sinh từ 2 con trở lên trở thành mong ước của mỗi người dân, của các chủ doanh nghiệp, trở thành cương lĩnh hành động của các đảng phái, là thước đo bắt buộc của thành công với mỗi chính phủ.

Ths Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho rằng áp lực trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái… khiến cho xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng.

Mặt khác, trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, sự thay đổi về quan điểm sống của giới trẻ cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. "Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội"- Ths Phạm Chánh Trung nhận định.

Theo ông Phạm Chánh Trung, song song giải pháp truyền thông, hỗ trợ chi phí y tế để nâng cao mức sinh, TP HCM cũng cần phải tính đến các chế độ an sinh xã hội để có thể thu hút được lực lượng lao động nhập cư và tạo điều kiện cho họ có thể phát triển tốt nhất với sự đóng góp của mình.

Bác sĩ Lê Khắc Tiến, Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận, nói nên tăng cường chất lượng hỗ trợ sức khỏe sinh sản cho các cặp đôi trước khi lập gia đình, khi dự định có con và các biện pháp dự phòng hiếm muộn hay vô sinh.

Theo thống kê, tỉ suất sinh tại TP HCM hiện chỉ ở mức 1,42 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP HCM Trần Thị Phương Hoa cho biết hội đang đẩy mạnh các lớp học về sức khỏe, học làm cha mẹ để hỗ trợ các gia đình trẻ nâng mức sinh, đồng thời, xây dựng gia đình hạnh phúc hơn.

Hơn 30 năm qua, hội vẫn duy trì các mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc và tiếp tục vận động các cặp vợ chồng tham gia câu lạc bộ này.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-dong-tinh-trang-ti-suat-sinh-giam-19624101513075023.htm