Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn

Trong tọa đàm Đối thoại Chính sách: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và Thách thức do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức sáng 15/10 cũng diễn ra phiên thảo luận chuyên đề với nội dung Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn. Phiên thảo luận chuyên đề đưa ra các nguồn thông tin tham khảo để các cơ quan hoạch định chính sách tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về thuế và các chính sách vĩ mô trong thời gian tới.

Đáng chú ý tại dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt (Sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây, về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định áp thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030. Hiện ngành đồ uống đang đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 60 nghìn tỷ/năm – khoảng 3% tổng thu ngân sách. Một số ý kiến cho rằng nếu tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao, có thể dẫn đến sự sụt giảm sản lượng ngành đồ uống. Từ đó, mục tiêu tăng thu ngân sách chưa chắc đạt được.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nên lựa chọn phương án và lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là vấn đề được các đại biểu tập trung trao đổi.

Một số ý kiến cũng cho rằng các tác động kéo dài hậu Covid-19 và việc thực thi quyết liệt Nghị định 100 xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe mặc dù tạo được hiệu ứng rất tốt trong xã hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra tác động kép khiến các doanh nghiệp rượu bia bị thiệt hại nặng nề. Do đó, một số ý kiến cũng cho rằng cần xem xét giãn thời gian áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và tính toán mức thuế suất tối đa hợp lý vào năm 2030.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/cai-cach-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-con-239668.htm