Báo động tình trạng xô xát giữa các nhà xe
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc xô xát giữa nhân viên các nhà xe do tranh giành khách gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vận tải.
Nguồn cơn của mâu thuẫn
Mới đây, CA huyện Bảo Yên vừa ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 2 lái xe và 1 phụ xe của nhà xe Trúc Ngưu vì liên quan đến vụ hành hung tài xế xe tải trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh tài xế xe tải bị 3 đối tượng hành hung trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Sự việc xảy ra vào khoảng 9h23 ngày 22/6 tại Km216, cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hai phương tiện liên quan đến vụ việc là xe khách Trúc Ngưu BKS 24B-009.19 và xe tải BKS 24C-051.65.
Sau khi nhận được thông tin, Cơ quan CSĐT CA huyện Bảo Yên đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Tạo (lái xe chính), SN 1978, trú tại phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ; Trần Mạnh Cường, SN 1982, trú tại khu dân cư Phú Hà, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ (lái xe phụ) và Hồ Văn Trường, SN 2001, trú tại thôn Thái Bo, xã Thống Nhất, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai là phụ xe để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Tại Cơ quan CSĐT, lái xe Nguyễn Văn Tạo khai: do khi xảy ra va chạm mặc dù đã ra tín hiệu yêu cầu dừng xe để giải quyết, nhưng chủ xe tải vẫn không dừng lại mà tiếp tục bỏ đi. Do quá bức xúc trước hành động đó, nên Tạo đã cho xe chặn xe tải lại và xảy ra sự việc trên.
Hiện cơ quan CSĐT CA huyện Bảo Yên đang tiếp tục điều tra để xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, khoảng 14h20 ngày 3/7, trên đoạn đường 559 TP Hải Dương, một nhóm người trên chiếc xe ôtô màu đen đã dùng dao, gậy đánh, đập phụ xe khách nhà xe Kết Đoàn Sunrise. Ngoài việc đánh phụ xe, nhóm người này còn đe dọa hành khách nếu quay clip việc làm sai trái của họ khiến hành khách trên xe vô cùng hoảng sợ và gây bức xúc trong xã hội. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Ngày 5/7, một nhóm đối tượng cầm hung khí lao vào văn phòng nhà xe Sơn Hải (tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đập phá tài sản, hành hung nhân viên và cướp đi một số tài sản của công ty.
Mới đây nhất, ngày 6/7, Cơ quan CSĐT CA huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã tạm giữ hình sự 2 tài xế xe buýt của 2 hãng xe Đông Bắc và Thạch Thành ở tỉnh Nghệ An do có hành vi chèn ép nhau trên Quốc lộ 1 để điều tra về tội gây rối trật tự công cộng.
Chế tài để giải quyết xung đột
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, có 8 tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp của người lái xe, nhân viên phục vụ được quy định trong tài liệu chương trình tập huấn hằng năm của doanh nghiệp vận tải. Trong đó, có các tiêu chí như: Nắm vững và tự giác chấp hành quy định của pháp luật, lái xe an toàn; Coi hành khách như người thân, coi khách hàng là đối tác tin cậy... Tuy vậy, thực tế nhiều trường hợp không tuân thủ đầy đủ 8 tiêu chí này.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đây là vấn đề đạo đức trong kinh doanh vận tải, do đó cần được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm để tăng tính răn đe, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh.
Chuyên gia pháp lý cho rằng, với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cùng với xung đột về lợi ích và giá trị đạo đức, nhiều doanh nghiệp, lái xe kinh doanh chộp giật, bất chấp pháp luật, không coi trọng chất lượng dịch vụ, an toàn của hành khách.
“Để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi hành khách trong kinh doanh vận tải, cần hệ thống lại các mô hình hoạt động vận tải, loại trừ, đào thải những mô hình hoạt động manh mún, tự phát” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho hay.
Về trách nhiệm hình sự, luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, hành vi đánh người là hành vi vi phạm pháp luật, có tính chất côn đồ, xảy ra nơi công cộng. Bởi vậy, những kẻ thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.
“Trường hợp kết quả xác minh cho thấy các đối tượng đã hành hung gây ra thương tích cho nạn nhân thì dù thương tích của nạn nhân dưới 11%, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp đặc biệt khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” - luật sư Đinh Thị Nguyên phân tích.
Luật sư Nguyên cũng cho biết thêm, hành vi cố ý gây thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng phải có đơn yêu cầu của người bị hại thì cơ quan điều tra mới vào cuộc xem xét xử lý. Trong quá trình xử lý hình sự mà người bị hại có đơn rút đơn yêu cầu, cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.
Trong các vụ xô xát giữa các nhà xe, hành vi đánh người diễn ra nơi công cộng, bởi vậy trong trường hợp có thể không xử lý về hành vi cố ý gây thương tích do người bị hại không có yêu cầu hoặc rút đơn nhưng cơ quan công an vẫn có thể xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi đánh người nơi công cộng cũng là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội mà nạn nhân không đề nghị xem xét xử lý thì cơ quan điều tra cũng vẫn có thể xử lý hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo số liệu thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có hơn 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải (tăng 80.000 đơn vị so với năm 2013) với hơn 921.000 phương tiện (10 năm trước chỉ có hơn 121.000 xe). Trong số này, đơn vị có quy mô vừa và nhỏ có dưới 5 xe chiếm hơn 80%.