Bộ Công an và các tổ chức quốc tế về sức khỏe ủng hộ cấm thuốc lá mới

Bộ Công an và nhiều tổ chức quốc tế về sức khỏe kiên định ủng hộ đề xuất cấm thuốc lá mới của Bộ Y tế và nhiều đại biểu Quốc hội, nhằm bảo vệ giới trẻ khỏi chất gây nghiện và hóa chất gây ung thư.

Sau buổi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương cùng nhiều đại biểu Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Bộ Y tế về việc phải cấm lưu hành thuốc lá mới.

Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng Bộ Y tế không quản được thì cấm. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Công an và các tổ chức về sức khỏe quốc tế vẫn kiên định đồng hành với đề xuất của Bộ Y tế, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

 Thuốc lá mới rất đa dạng về hình dáng, màu sắc, hương vị nhằm tấn công vào giới trẻ

Thuốc lá mới rất đa dạng về hình dáng, màu sắc, hương vị nhằm tấn công vào giới trẻ

Thuốc lá nung nóng độc hại hơn thuốc lá điếu

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng WHO tại Việt Nam), dữ liệu nghiên cứu cho thấy có tới 2/3 người dùng thuốc lá nung nóng (TLNN) ở Nhật Bản và gần như tất cả (96,2%) ở Hàn Quốc dùng đồng thời thuốc lá truyền thống và TLNN.

Một nghiên cứu gần đây ở Nhật Bản chỉ ra rằng, hầu hết những người sử dụng TLNN ở Nhật Bản cũng đang hút thuốc lá truyền thống hàng ngày (94,4%) và chỉ 0,5% là những người chủ yếu sử dụng TLNN.

Từ các nghiên cứu đó, WHO kết luận: TLNN không giảm hại, đặc biệt, hàm lượng của nhiều chất độc khác lại cao hơn thuốc lá điếu. Trong đó, ít nhất 4 chất có thể gây ung thư và 15 chất có khả năng gây tổn thương gen.

Trái ngược với tuyên bố của ngành CNTL, thực tế, TLĐT/TLNN không an toàn, vì chứa nicotine cùng các chất độc hại, gây ung thư. Những người bị tổn thương phổi do sử dụng thuốc lá mới đang gia tăng trên toàn thế giới, như anh thanh niên 22 tuổi người Philippines đã tử vong đầu năm 2024 do tổn thương tim và phổi sau khi sử dụng thuốc lá mới hàng ngày trong hai năm.

Bà Tan Yen Lian (Cán bộ Quản lý Thông tin và Dữ liệu Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á - SEATCA) - chia sẻ: Hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm TLĐT/TLNN. Tại ASEAN, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành lệnh cấm TLĐT/TLNN. Các nước Indonesia, Malaysia và Philippines cho phép bán và quảng cáo thuốc lá mới hiện đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút thuốc lá mới ở giới trẻ.

“Việt Nam nên xem xét bài học từ các nước này khi quyết định cấm hay cho lưu hành thuốc lá mới” - đại diện SEATCA lưu ý.

Phá nhiều vụ án thuốc lá mới có ma túy

Dẫn chứng thêm về tác hại của thuốc lá mới, Thượng tá Nguyễn Duy Trung - Phó trưởng Phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) mới đây thông tin: Tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá thế hệ mới có tẩm ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng. Những người bị lôi kéo sử dụng chủ yếu là giới trẻ.

Theo Cục C04, chỉ 6 tháng đầu năm năm 2024, lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ án thuốc lá mới có chứa chất ma túy.

Trước đây, thuốc lá mới chứa ma túy được sản xuất ở nước ngoài và nhập lậu vào Việt Nam, số lượng không lớn. Nhưng gần đây, đã xuất hiện tình trạng pha chế, sản xuất thuốc lá mới có chứa ma túy để bán tại Việt Nam với số lượng rất lớn.

Thượng tá Nguyễn Duy Trung chỉ rõ: Các đối tượng thường xuyên tạo ra các sản phẩm thuốc lá mới chứa ma với nhiều mẫu mã, tên gọi, hương vị, chất ma túy khác nhau và quảng cáo trên mạng, nhằm thu hút giới trẻ và để đối phó với sự phát hiện của gia đình, xã hội và lực lượng chức năng.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài rất khó phân biệt được loại nào có ma túy núp bóng, loại nào không.

Các vụ án đã được phá cho thấy ma túy dùng để cho vào thuốc lá mới chủ yếu là dòng cần sa tổng hợp, hoặc các chất ma túy mới, chưa được quy định trong Danh mục chất ma túy của Chính phủ, nhằm tránh bị xử lý.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng mua bán, sử dụng ma túy núp bóng thuốc lá mới, tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc 47/CĐ-TTg chỉ đạo tăng cường quản lý TLĐT, TLNN.

 Nạn nhân của thuốc lá mới nhập viện

Nạn nhân của thuốc lá mới nhập viện

Cấm thuốc lá mới là cần thiết

Trước tình hình đối tượng lợi dụng tẩm ướp ma túy vào thuốc lá mới để mua bán đang diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Công an đã ủng hộ đề xuất cấm TLĐT, TLNN vì “đưa thuốc lá mới vào mặt hàng cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu…mới có căn cứ xử lý một cách thích đáng, có tính răn đe”.

TS. Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế - cũng cho biết: Kết quả các nghiên cứu cho thấy, nếu không cấm, sẽ rất khó kiểm soát hoạt động quảng cáo, bán hàng online, nhập lậu, tiếp cận giới trẻ, do đó, sẽ tăng nhanh tỷ lệ sử dụng, tạo ra thế hệ nghiện nicotin mới. Bên cạnh đó là khó khăn trong kiểm soát ma túy pha trộn vào TLĐT, TLNN.

“Sau rất nhiều năm quản lý thuốc lá điếu, cả nước chỉ có phòng xét nghiệm của Viện thuốc lá có thể kiểm nghiệm được 2 chất là Tar và Nicotin trong khói thuốc lá điếu. Như vậy, Việt Nam không đủ năng lực để bảo đảm phương án quản lý TLĐT, TLNN” - TS. Phương nhấn mạnh.

Giám đốc SAETCA cũng khuyến cáo: Việc điều chỉnh các chiến lược kiểm soát thuốc lá phù hợp với Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá, thực hiện chính sách cấm TLĐT/TLNN và áp dụng thuế thuốc lá mạnh hơn, Việt Nam sẽ giảm được số lượng người trẻ nghiện nicotine, để bảo vệ sức khỏe của các thế hệ" - Tiến sĩ Dorotheo - khuyến nghị.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bo-cong-an-va-cac-to-chuc-quoc-te-ve-suc-khoe-ung-ho-cam-thuoc-la-moi-post180182.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat