Báo động TNGT trên QL5 đoạn qua Hải Dương: Không còn là cảnh báo!
Những bất cập về hạ tầng giao thông trên QL5 khiến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là đoạn qua địa phận Hải Dương.
Là tuyến giao thông huyết mạch nối liền thủ đô Hà Nội với một số tỉnh phía Bắc, hàng ngày, hàng giờ, chịu áp lực lớn về lượng người và phương tiện lưu thông. Những bất cập về hạ tầng giao thông, khiến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là đoạn qua địa phận Hải Dương.
Nhiều năm nay, tỉnh Hải Dương đã có những đề xuất cụ thể với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để có thể tìm được lời giải cho bài toán hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ “xương sống” này.
Không còn là cảnh báo
Với chiều dài 44,3 km bắt đầu từ km 33+400 (Bình Giang) đến km 77+700 (Kim Thành), đi qua 4 huyện và thành phố, đây là tuyến đường đồng bằng loại 1, được tổ chức 2 chiều,6 làn đường riêng biệt. Được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1997, đến nay nhiều đoạn đã xuống cấp, lồi lõm, biến dạng, kéo theo những hệ lụy không chỉ là cảnh báo mà trở thành những “điểm đen” mất an toàn giao thông. Nổi bật là đoạn nối liền với cổng chính của KCN Lai Vu với QL5.
Do không bố trí mở dải phân cách giữa quốc lộ và cổng KCN nên hầu hết công nhân từ thành phố Hải Dương phải đi đến đầu xã Lai Vu, tới điểm mở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) mới quay ngược trở lại được. Cùng thời điểm, gần 7.000 công nhân đồng loạt đi về phía huyện Kim Thành đều phải qua cầu Lai Vu, đến điểm mở thuộc xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà) mới quay ngược trở lại được.
Nếu đi đúng làn đường, phần đường quy định thì sẽ xa hơn gần 2 km. Do vậy, để tiết kiệm được thời gian, nhiều công nhân đã không ngại nguy hiểm, ngang nhiên đi ngược đường, bất chấp mọi tín hiệu, biển báo giao thông. Tình trạng tắc đường và tai nạn giao thông là điều không thể tránh khỏi.
Bị coi là “điểm đen”, (đoạn qua xã Hồng Lạc, Thanh Hà) cũng thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Do mặt bằng hẹp, quá nhiều phương tiện tham gia cùng lúc từ đưởng tỉnh 390B đi về hướng Hải Phòng.
Thêm vào đó, nhiều năm nay, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại ngã 3 Tiền Trung, ngã 4 Ghẽ (Cẩm Giàng) do không hoạt động nên từ ùn tắc chuyển thành hỗn loạn giao thông. Các phương tiện thỏa sức ngược xuôi, mạnh ai người ấy vượt, chèn ép nhau, bất chấp cả tính mạng...
Ngoài QL5, các tuyến đường bộ trọng điểm chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương với chiều dài cũng đáng nói: Đoạn qua quốc lộ 18, nối từ Hà Nội đến Quảng Ninh, dài 20km; đoạn qua quốc lộ 37, nối từ cảng Diêm Điền (Thái Bình) đến ngã 3 Cò Nòi (tỉnh Sơn La), dài 72,7 km; đoạn cao tốc mới nối Hà Nội đến Hải Phòng đang ở giai đoạn thi công, hoàn thiện….
Đã đến lúc, các tuyến đường này lộ rõ những bất hợp lý như vạch sơn kẻ đường bị mờ, cọc tiêu hư hỏng, hệ thống gờ giảm tốc và biển cảnh báo nguy hiểm tại khu đông dân cư và đường giao nhau còn hạn chế. Thêm vào đó, việc tự ý mở các đường dân sinh và tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây cản trở lưu thông và mất an toàn giao thông, khó kiểm soát hết được.
Do vị trí và số lượng cầu dân sinh chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông, nếu có thì chưa được quan tâm bảo trì, bảo dưỡng và vệ sinh thường xuyên. Đặc biệt, đường dẫn cầu vượt số 7 xã Kim Thành (Kim Thành) xuống cấp đến mức không thể sửa chữa được. Ngoài ra, trên tuyến đường này, nhiều đoạn giải phân cách đã bị xé, tạo thành lỗ để chui qua….gây mất ATGT.
Vẫn chưa có giải pháp xử lý
Theo báo cáo của của ban ATGT tỉnh Hải Dương, trong những năm qua, trên QL5 đoạn qua tỉnh Hải Dương đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về con người và tài sản. Nguyên nhân chính là do trên QL5 tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng giao thông đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Tình trạng vi phạm an toàn giao thông diễn ra hàng ngày và ngày càng gia tăng về số lượng, số vụ.
Tỉnh Hải Dương đã kiến nghị với nhiều lần với Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam về những bất cập giao thông trên QL5. Tổng cục đường bộ Việt Nam đã có văn bản giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, xử lý.
Theo đó, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan kiểm tra hoạt động hệ thông đèn tín hiệu tại 02 điểm giao cắt hiện tại chưa hoạt động là ngã tư Ghẽ (Km 40+200) và ngã ba Tiền Trung (Km 59+50); Kẻ lại các vạch kẻ đường, vạch sơn giảm tốc và lắp đặt các kiốt phục vụ cảnh sát gia thông trực tại chốt đèn; Tháo dỡ, di chuyển biển quảng cáo cố định của cây xăng Dương Hải ở chân dốc cầu vượt tại ngã tư Bến Hàn (Km 52+200), chiều đường Hải Phòng - Hà Nội, biển quảng cáo đặt cách chân dốc lên xuống cầu vượt 6m gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao.
Về việc đảm bảo an toàn giao thông cho công nhân lao động tại KCN nói riêng và người dân nói chung, lãnh đạo phòng Cảnh sát Giao thông bộ sắt tỉnh Hải Dương cho biết: Vẫn còn nhiều đề xuất giao thông thiết thực đang chờ phê duyệt như: khảo sát lại độ nghiêng và độ nhám của mặt đường; bố trí điểm dừng cho các phương tiện đường dài, nhất là ô tô khách, ô tô trọng tải lớn hoặc mở các điểm sang đường phù hợp. Các điểm hẹp trước đây có thể tạo thành vòng xuyến... bảo đảm những yêu cầu tốt nhất cho hạ tầng giao thông.
Đáng buồn là những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng giờ đã không còn là chuyện hiếm và đã nhiều năm rồi, qua rất nhiều hội nghị vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để giảm thiểu những hậu quả đau lòng./.
Bài 4: Báo động tai nạn trên QL5: Hạ tầng xuống cấp, lối mở tràn lan