Báo động trục lợi chế độ bảo hiểm thai sản
Nhiều chiêu trò trục lợi chế độ bảo hiểm thai sản đã được phát hiện trong thời gian qua, kịp thời tránh thất thoát cho nguồn quỹ BHXH.
Nâng lương đột ngột để trục lợi
Mới đây, đại diện BHXH quận 1, TP HCM cho biết, từ tháng 1 - 8/2020, đơn vị đã xác minh, kết luận tại 95 đơn vị với 99 trường hợp trục lợi chế độ thai sản. Trong đó, đã thực hiện thoái thu ở 82 doanh nghiệp (DN) với số tiền gần 1,7 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những chiêu trò mà các DN đã thực hiện để trục lợi quỹ BHXH là tăng lương đột ngột cho người lao động trong thời gian mang thai. Cụ thể, một nhân viên văn thư tại Công ty TNHH BM T.S (TP HCM) đã được DN nơi công tác tăng lương đột xuất từ 4,5 triệu đồng/tháng lên 12 triệu đồng/tháng nhằm hưởng chế độ thai sản nhiều tiền hơn.
Tương tự, Công ty CPDV KT DK QT cũng đã nâng lương cho một nữ nhân viên kinh doanh từ 5 triệu đồng lên 18 triệu đồng để trục lợi chế độ thai sản.
Giải trình với cơ quan BHXH, DN này cho rằng người lao động đã được thăng chức lên Phó giám đốc nên mức lương tăng. Nhưng thực tế qua kiểm tra tại DN này, người đứng đầu cũng chỉ được hưởng mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Cũng mới đây, sau khi làm việc với cơ quan BHXH, đại diện Công ty TNHH MTV T.T (TP HCM) phải thừa nhận quá trình tham gia BHXH cho nhân viên tên H. (cũng chính là vợ của chủ DN này) không phù hợp quy định pháp luật.
Trước đó, vào cuối năm 2019, khi biết mình mang thai hơn 2 tháng, bà H. đã đến BHXH quận Gò Vấp làm thủ tục tăng mức đóng BHXH bất thường từ mức lương làm căn cứ đóng là 4,2 triệu đồng lên mức… 20 triệu đồng/tháng.
Đóng đúng 6 tháng, bà H. ngừng đóng và làm thủ tục hưởng chế độ thai sản sau khi sinh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ thai sản của bà H. đóng tại Công ty TNHH MTV T.T, cơ quan BHXH quận Gò Vấp đã đưa hồ sơ vào tầm ngắm.
Đại diện BHXH quận Gò Vấp nhận định, có rất nhiều điểm bất thường cần phải làm rõ với các hồ sơ hưởng BHXH thai sản như vậy.
Thứ nhất, các trường hợp hồ sơ thai sản mà cứ đến thời điểm mang thai, người lao động (NLĐ) nữ bỗng nhiên đăng ký đóng BHXH cao bất thường so với trước đó đều được cơ quan BHXH rà soát kỹ lưỡng, nhằm tránh tình trạng trục lợi.
Thứ hai, trường hợp bà H., cả công ty chỉ có mình bà đóng BHXH, kiểm tra sâu thì phát hiện bà cũng chính là chủ DN này nhưng chồng bà đứng tên…
Chế độ thai sản là một trong những chế độ quan trọng của BHXH nhằm bù đắp thu nhập cho NLĐ khi mang thai, sinh đẻ. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhiều tổ chức, cá nhân đã trục lợi, lạm dụng quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ BHXH.
Luật còn nhiều kẽ hở
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TP HCM, NLĐ nữ khi sinh đương nhiên ai cũng mong muốn có khoản tiền chế độ thai sản, nó có ý nghĩa cả về mặt vật chất lẫn tinh thần cho họ trong thời điểm sinh.
Tuy nhiên, chỉ những NLĐ và DN tuân thủ đúng quy định tham gia BHXH mới hợp lệ. Còn nếu DN và NLĐ nào cũng tìm cách “lách” luật như vậy, sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của những NLĐ khác.
Thực tế, có nhiều DN có dấu hiệu lạm dụng việc đóng BHXH và hưởng BHXH, đặc biệt là đối với lợi dụng chế độ thai sản.
Thường gặp nhất là DN đóng BHXH cho người lao động vừa đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; mức đóng cao bất thường và cao hơn so với cùng vị trí việc làm trong cùng DN; đơn vị có quy mô nhỏ (4 - 5 lao động) nhưng vẫn có chức danh Trưởng phòng để tăng mức đóng đột xuất…
Theo ông Hà, hiện nay Luật BHXH còn nhiều kẽ hở để các cá nhân, DN lợi dụng. Cụ thể, chỉ cần tham gia vừa đủ 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh thì sẽ được hưởng chế độ.
Vì vậy, nhiều nơi đã tận dụng đưa người nhà đang mang thai vào trong diện đóng BHXH của DN. Về mức đóng, chỉ đóng cho cơ quan BHXH 32% mức lương, nhưng hưởng chế độ thai sản là 100% của 6 tháng tiền lương tham gia, thêm 2 tháng lương cơ sở tiền tã sữa. Ngoài ra, 6 tháng nghỉ thai sản không đóng BHXH vẫn được tính quá trình tham gia và thẻ BHYT miễn phí.
Dù việc trục lợi chế độ thai sản diễn ra không mới, đã từng có hồ sơ được BHXH đưa sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự. Tuy nhiên, do mức hưởng lợi quá hấp dẫn nên nhiều cá nhân, đơn vị vẫn tìm mọi cách trục lợi hưởng BHXH thai sản.
Nghị định 28/2020 về xử phạt hành chính với NLĐ và DN khi có hành vi vi phạm về đóng, lập hồ sơ hưởng các chế độ và các quy định khác trong lĩnh vực BHXH bắt buộc, BHTN, quy định cụ thể như sau: DN có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN để trục lợi chế độ BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BHTN làm giả, làm sai lệch nội dung, sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, buộc nộp lại cho tổ chức BHXH số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận.