90% người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử

UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh năm 2024, thành phố dự kiến sẽ tạo lập thông tin hồ sơ sức khỏe điện tử cho 90% người dân trên địa bàn.

Việc liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn TP. Hồ Chí Minh và cả nước sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, đảm bảo đáp ứng về hạ tầng, an toàn và bảo mật thông tin và theo lộ trình triển khai chung của Bộ Y tế.

90% người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

90% người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hồ sơ sức khỏe điện tử cho 90% người dân thành phố dựa trên nguồn dữ liệu tiêm vắc xin phòng COVID-19 và dữ liệu tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, Bộ Y tế đã bàn giao 9.148.769 bản ghi thông tin tiêm chủng COVID-19 của người dân trên địa bàn thành phố và Sở Y tế đã bàn giao cho Trung tâm Chuyển đổi số thông tin để chuyển thành dữ liệu, xác minh lọc trùng còn 6.593.186 dữ liệu và sẵn sàng chia sẻ cho các hệ thống khác. Đồng thời Sở Y tế và Trung tâm Chuyển đổi số đã chuẩn bị hạ tầng và thực hiện kết nối với Hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia để tiếp nhận dữ liệu tiêm chủng.

Ngoài ra, thành phố cũng phấn đấu đưa dữ liệu sức khỏe của một triệu người dân sẽ được tích hợp vào ứng dụng công dân số Thành phố và Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID (nếu được cho phép), khởi đầu là nguồn dữ liệu sức khỏe của người cao tuổi. Trong năm 2024 – 2025, thành phố cũng sẽ tiếp tục tích hợp dữ liệu sức khỏe của học sinh trên địa bàn thành phố, dự kiến hơn 1,6 triệu dữ liệu.

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của ngành y tế là mỗi người dân thành phố đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm tạo sự kết nối liên thông dữ liệu về tình hình sức khỏe, dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế với nhau, đảm bảo tính liên tục trong công tác chăm sóc, hướng đến mỗi người dân thành phố đều được quản lý sức khỏe, nhất là bệnh không lây nhiễm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Giai đoạn năm 2019 - 2025, thành phố đã triển khai thí điểm thu thập dữ liệu sức khỏe được đối với người dân sinh sống trên địa bàn Phường 27, quận Bình Thạnh bằng hình thức khai báo điện tử đã tạo lập được trên 5.000 hồ sơ và bước đầu xây dựng được mô hình bệnh tật từ dữ liệu được thu thập.

Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều đã bắt đầu xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, từng bước hình thành bệnh viện thông minh. Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, có 44/55 bệnh viện tuyến thành phố và quận, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử. Đặc biệt, đã có hai bệnh viện chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Thêm vào đó, hai bệnh viện khác, Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Truyền máu huyết học, đã được thẩm định và đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử.

Nhằm hướng tới xây dựng nền y tế thông minh, góp phần xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, trong thời gian tới, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế tiếp tục thực hiện triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời. Song song đó, ngành y tế phải chuyển đổi số toàn bộ hoạt động quản lý dịch bệnh, đảm bảo kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu lớn của thành phố và tuân thủ khung kiến trúc chính quyền điện tử thành phố. Đồng thời ngành y tế phải xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của ngành, ưu tiên các dữ liệu về quản lý điều hành, hồ sơ sức khỏe điện tử, dữ liệu khám chữa bệnh, dữ liệu phòng, chống dịch bệnh.

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu ngành y tế thành phố đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong công tác khám chữa bệnh như hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện, đơn thuốc điện tử, đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến, y tế từ xa, ứng dụng các công nghệ, dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT),... trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi người bệnh tại các bệnh viện.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/90-nguoi-dan-tp-ho-chi-minh-se-co-ho-so-suc-khoe-dien-tu-157612.html