Báo động từ việc tảng băng trôi lớn nhất thế giới dịch chuyển
Việc tảng băng trôi lớn nhất thế giới dịch chuyển có thể tác động đến đời sống của nhiều sinh vật tại Nam Cực và là lời cảnh báo khí hậu tới con người.
Cuối tháng 11, Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh cho biết tảng băng trôi A23a – tảng băng trôi lớn nhất thế giới – đã bắt đầu di chuyển sau hơn 35 năm bị mắc kẹt tại biển Weddell. Gió và dòng chảy mạnh đã khiến tảng băng này trôi nhanh qua phía bắc của bán đảo Nam Cực.
Các nhà khoa học tin rằng việc A23a trôi là một hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, nó cũng đưa ra một lời cảnh báo rõ ràng về việc biến đổi khí hậu đang khiến thiên nhiên khó lường hơn.
Ngoài ra, nếu tảng băng này tan ra, nó sẽ làm tăng mực nước biển, đe dọa đến nhiều khu vực đất thấp trên toàn cầu.
Tảng băng trôi có diện tích lớn gấp 3 lần TP New York
A23a được ước tính có diện tích gần 4.000 km2, tức gấp 3 lần diện tích TP New York (Mỹ).
A23a được cho là nặng gần 1.000 tỉ tấn. Theo tờ The Guardian, tảng băng này đang trôi phía Nam Đại Dương với tốc độ 5 km/ngày và hướng tới khu vực có nhiều tảng băng trôi khác tập hợp.
“Theo thời gian, nó có thể mỏng đi một chút và nổi lên thêm. Điều này cho phép dòng hải lưu đẩy nó đi” – ông Oliver Marsh, nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, nói.
Trả lời đài BBC, ông Andrew Fleming – chuyên gia về viễn thám tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh – cho rằng trên thực tế, A23a đã trôi dạt trong gần 1 năm qua và hiện dường như đang tăng tốc.
A23a tách ra khỏi thềm băng Filchner-Ronne ở Tây Nam Cực vào năm 1986. Sự tách ra của A23a được cho là một phần của quá trình tự nhiên.
Tuy nhiên, ông Robbie Mallett – nhà khoa học về băng biển tại ĐH London (Anh) – lưu ý rằng các tảng băng tách ra khỏi các thềm băng với tốc độ ngày càng tăng do tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.
“Trong lịch sử, Nam Cực không ảnh hưởng nhiều đến mực nước biển dâng. Tuy nhiên, khu vực này đang có tác động ngày càng lớn đối với mực nước biển dâng mà chúng ta nhìn thấy hàng năm” – ông Mallet nói.
Theo ông Mallett, có nhiều lý do khiến A23a trở thành tâm điểm chú ý của các nhà hoạt động môi trường.
“Hiện đây là tảng băng trôi lớn nhất thế giới. Nó là một phép ẩn dụ cho thấy lượng băng trên Trái Đất nhiều như thế nào, Nam Cực rộng lớn như thế nào. Nó lớn đến mức đáng kinh ngạc. Đây cũng là lời nhắc nhở về mức độ rủi ro nếu tảng băng này tan ra, khiến mực nước biển dâng cao” – ông Mallett nói.
Lời cảnh báo khí hậu
Hồi cuối tháng 11, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết nếu các quốc gia không nhanh chóng lên kế hoạch cắt giảm lượng khí thải, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng từ 2,5 đến 2,9 độ C vào cuối thế kỷ này, so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Ngày 30-11, ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo rằng việc nhiệt độ ngày càng tăng cao có thể khiến nhân loại thất bại trong cuộc chiến ngăn nước biển dâng.
Trả lời đài CNBC, ông Petteri Taalas – Tổng thư ký WMO – cho biết: “Rõ ràng thực tế chứng minh rằng băng tan ở Nam Cực đang tăng nhanh. Mối quan tâm hàng đầu của tôi là việc các khối băng ở Nam Cực đang tan nhanh như thế nào”.
Bà Gail Whiteman – GS về phát triển bền vững tại ĐH Exeter (Anh) – cho rằng việc tảng băng trôi lớn nhất thế giới bắt đầu di chuyển là lời nhắc nhở cho hành tinh.
“Bây giờ, mọi người đều lo lắng về tảng băng trôi khổng lồ này. Họ thắc mắc nó sẽ đi về đâu. Đây thực chất chỉ là giai đoạn bắt đầu. Các cực [Bắc Cực và Nam Cực] sẽ quyết định số phận của nhân loại” – bà Whiteman nói.
Ông Chad Greene – nhà nghiên cứu về băng tại phòng thí nghiệm của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở bang California (Mỹ) – cho biết các tảng băng trôi đang tách ra khỏi Nam Cực với tốc độ nhanh "có nghĩa là biến đổi khí hậu đang khiến khối băng ở Nam Cực mất đi khối lượng một cách nhanh chóng".
Ngoài ra, theo tạp chí The Week, tảng băng trôi A23a còn có thể vỡ ra và tạo ra hàng nghìn tảng băng trôi nhỏ hơn. Các tảng băng nhỏ này có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền, cản trở việc con người tiếp cận các hòn đảo gần Nam Cực.
Theo The Guardian, có khả năng A23a sẽ cập vào đảo Nam Georgia trên Đại Tây Dương. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề cho các động vật hoang dã ở Nam Cực. Cụ thể, nó sẽ gây cản trở cho quá trình tìm kiếm thức ăn, sinh sản của hàng triệu con hải cẩu, chim cánh cụt và chim biển trên đảo Nam Georgia và vùng biển xung quanh.
Tuy nhiên, theo tạp chí Cosmos, việc tảng băng A23a bắt đầu trôi dạt không phải hoàn toàn là tin xấu với thiên nhiên.
Bên trong tảng băng trôi là các chất dinh dưỡng. Khi tảng băng này tan ra một phần vừa phải, nó sẽ giải phóng các chất dinh dưỡng, hỗ trợ các vi sinh vật phát triển mạnh. Các vi sinh vật này sau đó sẽ là thức ăn cho các loài động vật bậc cao hơn trong hệ sinh thái.