Báo động tử vong vì bệnh dại ở Gia Lai

Nhiều người ở Gia Lai, sau khi bị chó cắn, chủ quan không đi tiêm phòng nên đã tử vong thương tâm vì bệnh dại.

Liên tiếp ca tử vong vì bệnh dại

Vài tuần đã trôi qua nhưng người thân cháu Kpuih Sang (7 tuổi, trú xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai) vẫn chưa hết đau buồn trước cái chết của Sang vì bệnh dại.

Trước đó, từ đầu tháng 4, cháu Kpuih Sang bị chó cắn, sau đó con chó này chết nhưng gia đình vẫn chủ quan không đưa Sang đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Cho đến ngày 21/6, Sang lên cơn sốt, mệt mỏi, sợ nước Sang được đưa đến Bệnh viện Nhi Gia Lai, bệnh viện chẩn đoán Sang mắc bệnh dại lên cơn, đã chuyển biến nặng và tử vong sau đó vài ngày.

Cũng tương tự như Sang, giữa tháng 6, bệnh nhân Nhoam (5 tuổi, trú thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cũng tử vong vì bệnh dại.

Nhiều nơi ở Gia Lai còn tình trạng chó thả rông, không rọ mõm

Nhiều nơi ở Gia Lai còn tình trạng chó thả rông, không rọ mõm

Trước đó, Nhoam bị chó cắn, sau mấy ngày con chó cắn Nhoam chết nhưng gia đình em không cho đi tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng bệnh dại. Cho đến khi Nhoam có triệu chứng sốt, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, la hét…gia đình mới đưa đến cơ sở y tế thì đã quá muộn.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Gia Lai cho biết, riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Gia Lai đã có 8 trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Cần quyết liệt phòng, chống bệnh dại

Trong văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh này nhận định, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người.

Người bị chó cắn cần nhanh chóng đi tiêm vaccine phòng bệnh dại (ảnh minh họa)

Người bị chó cắn cần nhanh chóng đi tiêm vaccine phòng bệnh dại (ảnh minh họa)

Một số nguyên nhân được đưa ra là do Gia Lai có tổng đàn chó lớn nhưng công tác quản lý đàn chó của các địa phương còn hết sức lòng lẻo. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó thấp, chó mắc bệnh chủ yếu không xác định được chủ, chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Bên cạnh đó, người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn nhiều người. Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, chưa phong phú và không thường xuyên…

Để ứng phó với bệnh dại, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh này phải thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt.

Chó được tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh dại

Chó được tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh dại

Ngành y tế địa phương phải tổ chức thực hiện tốt công tác điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó, mèo cào, có nguy cơ nhiễm bệnh dại nhưng chưa được tiêm vaccine. Giám sát chặt chẽ bệnh dại trên người; tăng cường năng lực xét nghiệm chủ động trên người.

Theo kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2030 thì một trong những mục tiêu quan trọng địa phương đặt ra là mỗi huyện, thị xã, thành phố ở Gia Lai có ít nhất 1 điểm tiêm vaccine phòng bệnh dại, cộng đồng và trường học được truyền thông sâu rộng về bệnh dại. Ổ dịch bệnh dại từ động vật lây sang người phải được phát hiện sớm, điều tra và xử lý đúng quy định, phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-dong-tu-vong-vi-benh-dai-o-gia-lai-169230706090635732.htm