Bao giờ dịch viêm phổi Vũ Hán dừng lại?
Virus corona vẫn tiếp tục lây lan và không một chuyên gia y tế nào trên thế giới dám khẳng định thế giới sẽ mất bao lâu để khống chế đại dịch lần này.
Đau lòng thay, mỗi ngày trôi qua, việc đều đặn mà Ủy ban Y tế Trung Quốc phải làm là thống kê số trường hợp người chết và nhiễm mới do virus corona chủng mới gây ra.
Các "kỷ lục" mỗi ngày được xóa bỏ với số người chết ngày hôm sau cao hơn ngày trước đó. Với Trung Quốc những ngày tang thương này, không có ngày chết chóc nhất, chỉ có ngày chết chóc hơn.
Ngày 9/1 ghi nhận trường hợp thiệt mạng đầu tiên vì dịch viêm phổi cấp tại Vũ Hán. Chưa đầy 1 tháng sau đó, con số này tăng lên tới 362, trong đó có 361 người Trung Quốc. Từ những ca nhiễm bệnh đầu tiên, tính tới ngày 3/2, số ca nhiễm đã lên tới hơn 17.000 trường hợp.
Riêng trong ngày 2/2, Trung Quốc ghi nhận thêm 57 ca thiệt mạng, 2.829 trường hợp nhiễm mới.
Virus corona cũng nhanh chóng "xé rào" biên giới, mang mầm bệnh tới 27 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trường hợp người thiệt mạng bên ngoài Trung Quốc đầu tiên được ghi nhận tại Philippines chưa đầy 24 giờ trước.
Cách đây 17 năm, vào thời điểm SARS bùng nổ, người ta mất gần 8 tháng để chặn đứng đại dịch cướp đi sinh mạng của 774 người. Dịch viêm phổi cấp hiện nay được cho là ít nguy hiểm hơn khi tỷ lệ người chết là khoảng 2%, thấp hơn so với 9,6% của SARS. Nhưng số ca nhiễm virus corona giờ gấp hơn 2 lần so với số ca mắc hội chứng suy hô cấp năm 2003.
Theo nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí The Lancet, một người nhiễm bệnh có thể lây truyền virus cho 2,68 người khác. Khuyến cáo từ Bộ Y tế bang New South Wales cho biết, mọi người có nguy cơ lây nhiễm cao nếu họ tiếp xúc khoảng 15 phút với người nhiễm bệnh, chẳng hạn như trò chuyện trực tiếp hay ở cùng một không gian hạn chế với người nhiễm bệnh trong vòng 2 giờ.
Hôm 15/1, ông Guan Yi, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong từng lạc quan tuyên bố rằng nếu không có trường hợp nhiễm bệnh nào trong vài ngày tới, dịch bệnh đã chấm dứt. Nhưng gần đây, ông này buộc lòng phải thừa nhận mọi chuyện đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Liên tiếp những ngày qua, các chuyên gia trên khắp thế giới chạy đua với thời gian để nghiên cứu tìm ra vaccine cho chủng virus mới.
Khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, các nhà nghiên cứu mất khoảng 20 tháng trước khi có được vaccine sẵn sàng thử nghiệm trên người. Dù vậy, vaccine này khi đó không quá cần thiết vì đại dịch này đã được ngăn chặn thành công.
Dịch Zika bùng phát vào năm 2015, các chuyên gia rút ngắn thời gian phát triển vaccine xuống còn 6 tháng.
Giờ đây, họ hy vọng kinh nghiệm từ các đợt bùng phát trong quá khứ sẽ tiếp tục cắt giảm thời gian hơn nữa.
Các nhà khoa học tới từ Viện Y tế quốc gia Australia và ít nhất 3 công ty đang nghiên cứu về các "ứng cử viên" vaccine.
Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm và dị ứng cho biết nếu không gặp bất cứ trở ngại nào, vaccine có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trong vòng 3 tháng tới. Tuy nhiên, ông Fauci cảnh báo có thể mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm để tiến hành các thử nghiệm rộng rãi chứng minh vacccine an toàn và hiệu quả.
Trong trường hợp khả quan nhất, vacccine sẽ được vào sử dụng trong 1 năm tới tính từ hiện tại.
Một năm là con số quá dài, cách hiệu quả nhất hiện nay để ngăn chặn 2019-nCoV lây lan là hạn chế lây truyền loại virus chết chóc này bằng cách xác định càng nhanh càng tốt những người nhiễm bệnh để cách ly điều trị trước khi họ kịp lây nhiễm cho người khác.
Chiến lược này từng có tác dụng trong đại dịch SARS nhưng cũng ngốn tới 8 tháng kiểm soát dịch. Vào thời điểm bùng nổ, SARS lan rộng tới 30 quốc gia, dẫn tới 8.096 ca nhiễm bệnh. Giống như SARS, dịch viêm phổi cấp gây ra các triệu chứng phổ biến như ho và chỉ có thể phân biệt với các bệnh cúm thông thường nhờ các xét nghiệm.
Cho tới hiện tại, không một ai có thể chắc chắn cho đáp án của câu hỏi mất bao lâu để khống chế được virus corona lây lan. Trung Quốc đã phong tỏa hàng chục thành phố với khoảng gần 60 triệu dân bị ảnh hưởng.
Nhưng trước khi họ làm điều đó, hàng trăm triệu lượt đi lại diễn ra trong đợt xuân vận kéo dài 40 ngày từ 10/1. Người Trung Quốc mang theo mầm bệnh cũng di chuyển tới nhiều nước trên thế giới và không thống kê nào có thể tính toán chính xác được trên thế giới có bao nhiêu người có khả năng nhiễm bệnh.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/bao-gio-dich-viem-phoi-vu-han-dung-lai-ar525339.html