Bao giờ Hoàng Anh Gia Lai mới lại bay cao?
Trận thua 0-3 của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai trước Hà Nội FC trên thực tế không khiến cho nhiều người hâm mộ cảm thấy bất ngờ. Có chăng chỉ là những tiếng thở dài, những sự nuối tiếc một quá khứ huy hoàng, những câu hỏi không có lời đáp cho một tương lai nào đó mà Hoàng Anh Gia Lai lại lần nữa bay cao.
Nếu chỉ nhìn Hoàng Anh Gia Lai phải chật vật trụ hạng trong những mùa giải gần đây, có thể sẽ có người không biết được câu lạc bộ này đã từng là “Độc cô cầu bại” tại V-League. Đó là mùa giải 2003 và 2004, 2 mùa giải mà câu lạc bộ này đã lập hàng loạt kỳ tích, như mùa giải 2003 Hoàng Anh Gia Lai đã vô địch V-League ngay sau khi vừa mới lên hạng, bảo vệ thành công chức vô địch vào năm 2004, đồng thời giành luôn hai Siêu cúp Quốc gia trong 2 mùa giải này. Nguyên nhân của thành công này là từ sự đầu tư rất mạnh tay của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, khi đưa về hàng loạt hảo thủ như: Kiatisuk Senamuang, Dusit Chalermsan, Lê Quốc Vượng, Nguyễn Hữu Đang; Văn Sĩ Hùng, Nguyễn Việt Thắng, Quang Trường… Chính vì vậy mà câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai thời điểm đó được người hâm mộ đặt cho biệt danh là Dream Team.
Nhưng kể từ mùa giải 2010 khi mà câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai thay đổi sách lược phát triển, tập trung vào việc đào tạo và sử dụng các cầu thủ trẻ. Đặc biệt là mùa giải 2015 với quyết định sử dụng toàn bộ là cầu thủ trẻ “cây nhà lá vườn”, cùng với quyết tâm theo đuổi bóng đá đẹp của bầu Đức, Hoàng Anh Gia Lai đã giới thiệu hàng loạt gương mặt trẻ đầy triển vọng như: Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… Những cái tên này lần lượt được gọi vào đội tuyển quốc gia, và đã có những thành tích đáng kể. Bất quá, như là một nghịch lý, kể từ đó câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai lại dần xuống dốc không phanh, cho đến hiện tại đã trở thành một câu lạc bộ chiến đấu cho mục tiêu… trụ hạng, chứ không còn là một ứng cử viên cho chức vô địch V-League nữa.
Người ta có nhiều cách để lý giải cho sự đi xuống về mặt thành tích của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai. Đó có thể là sự non trẻ của các cầu thủ trẻ khi được đôn lên đá chính tại V-League, mà không có sự dẫn dắt của các cầu thủ đàn anh giàu kinh nghiệm; đó có thể là huấn luyện viên mà bầu Đức lựa chọn không phù hợp cho đấu trường V-League khốc liệt; và đó cũng có thể đơn giản là chưa đến thời điểm các ngôi sao của câu lạc bộ tỏa sáng… Những người hâm mộ Hoàng Anh Gia Lai vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó câu lạc bộ mà họ yêu mến sẽ lại bay cao, sẽ lấy lại vầng hào quang trong quá khứ. Nhưng dần theo thời gian, hy vọng đó đã ngày càng lụi tàn, dần trở thành… nỗi thất vọng.
Bởi lẽ, cho đến thời điểm hiện tại, những gì mà câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai biểu hiện ra vẫn chỉ là sự đi xuống một cách rõ ràng, đặc biệt sự đi xuống này càng thêm nghiêm trọng nếu như so sánh với những gì mà Hà Nội FC đã làm được. Nếu nhìn qua hà Nội FC với những thế hệ cầu thủ nối tiếp nhau có tài năng tương xứng, lứa nào cũng không thiếu ngôi sao, có thể kể ra như Văn Quyết, Thành Lương, Quang Hải, Đức Huy, Hùng Dũng, Việt Anh, Xuân Tú… tạo nên một Hà Nội FC hùng mạnh, thống trị giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam. Thì cái gọi là đầu tư vào cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai hiện giờ mang lại gì cho đội hình của họ, ngoại trừ những cái tên tuy cũng chỉ mới xấp xỉ 23 đến 25 tuổi, nhưng đã khá là cũ kỹ như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Minh Vương, Hồng Duy, Văn Thanh… Còn những lứa trẻ hơn thì vẫn chưa thấy có cái tên nào thực sự nổi trội.
Chúng ta đang thấy một Hoàng Anh Gia Lai với một bộ khung cũ kỹ, một lực lượng thiếu chiều sâu, một lối chơi không thay đổi qua năm tháng nhằm phục vụ yêu cầu chơi đẹp của bầu Đức, một sự cố chấp mà khó huấn luyện viên nào có thể thay đổi. Liệu ai có thể tin một câu lạc bộ như vậy có thể vô địch V-league, có thể lại một lần nữa bay cao? Chỉ đơn cử một ví dụ tiền đạo Rimario tịt ngòi 13 trận trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai, nhưng lại ghi bàn liên tục khi chơi cho câu lạc bộ khác, đã cho thấy tình trạng đáng báo động của câu lạc bộ này. Nếu cứ tiếp tục vận hành như thế, ngày mà Hoàng Anh Gia Lai bay cao có lẽ còn rất xa vời.