Giá của cầu thủ cần phải đúng giá trị

Từ năm 2001, khi giải vô địch quốc gia có tên V-League, việc chuyển nhượng cầu thủ là một phần không thể thiếu của bóng đá Việt Nam. Trong cùng năm đó, bầu Đức đã gây chấn động làng bóng Đông Nam Á khi đưa tiền đạo số một Kiatisak về phố núi Pleiku đá giải hạng Nhất chỉ một mùa đã lên hạng và hai năm liên tiếp đăng quang V-League. Giá bầu Đức phải trả rất cao nhưng đúng giá trị.

Trong số bốn đội tuyển hàng đầu Đông Nam Á, duy nhất làng bóng Việt Nam không có bất kỳ cầu thủ nào đủ sức thi đấu các giải vô địch quốc gia ở nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Điều này cũng lý giải cho việc các CLB nước ngoài định giá cầu thủ rất sòng phẳng theo kiểu tiền nào của nấy và đương nhiên không thể có cái giá 10 tỉ đồng lót tay mỗi mùa mà trình độ không tương xứng với hiệu quả

Cách đây hơn 10 năm, bầu Hiển đã chọn ngày tái ký hợp đồng với tiền đạo Lê Công Vinh nhưng giờ chót cầu thủ gốc Nghệ An chọn về đội bóng của bầu Kiên chỉ vì phí lót tay cao ngất ngưởng, vào khoảng 15 tỉ đồng cho 3 năm. Mới nhất, làng bóng quốc nội cũng xôn xao về một cầu thủ bị tiền quyến rũ khi có ông bầu vì yêu thích anh này đã chịu chơi đến mức để trống chi phiếu cho anh tự ghi vào số tiền mà anh nghĩ mình xứng đáng được nhận.

Những câu chuyện ở hậu trường về chuyển nhượng cho thấy giá trị cầu thủ phụ thuộc vào cách nghĩ và định đoạt của ông bầu có thể gọi là chịu chi hay phá giá cũng không sai.

Công Phượng sẽ mài mòi trên ghế dự bị trong màu áo đội hạng nhì Yokohama (Nhật Bản) với mức thu nhập còm cõi tính bằng số phút thi đấu hoặc phải loay hoay tìm việc ở CLB khác nếu không có ông chủ của đội Bình Phước sẵn sàng biến anh thành tỉ phú. Thủ môn Văn Lâm cũng từng bôn ba tại Thái Lan, mất suất chơi ở Nhật cho đến khi Bình Định có ông bầu lên hương nhờ bất động sản trả cho anh mức lương tháng bằng gần cả đội Sông Lam Nghệ An sống chủ yếu nhờ ngân sách.

Bầu Hiển từng bị mang tiếng ôm nhiều đội bóng và bị nhìn nhận có quyền chi phối nội bộ của họ bởi chịu chi tài trợ 4-5 CLB chơi V-League rồi khi cao hứng còn xuống sân thưởng tung tóe cho cầu thủ nào ông yêu thích hoặc có thành tích ngay trong trận đấu đó. Bây giờ cũng có ông bầu ôm vài đội bóng V-League và xuống cả hạng Nhất vì địa phương hoặc doanh nghiệp làm ăn bình thường không nuôi nổi một CLB bóng đá chỉ có chi mà không có thu.

Chi phí cho một đội bóng hay cho cầu thủ đang lệ thuộc rất lớn vào túi tiền của ông bầu và tất cả đều biết họ sống nhờ từ một cái gật hoặc lắc đầu của người nắm hầu bao. Gật hay lắc cũng cần phải tính đến giá trị mà cầu thủ ấy mang lại cho đội bóng.

Đăng Huy

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/gia-cua-cau-thu-can-phai-dung-gia-tri-314586.html