Bao giờ 'Kỳ tích sông Sài Gòn'?
Từ năm 2007, người Hàn Quốc đã nói đến một 'Kỳ tích sông Sài Gòn' cho TP. HCM, tương tự người Nhật Bản nói đến 'Kỳ tích sông Hồng' cho Hà Nội.
Trong dịp tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, và Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần thứ nhất diễn ra tại Seoul từ ngày 24 đến 28/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Tổng thống Moon Jae-in và các nhân vật trọng yếu của Đại Hàn Dân Quốc.
Trong dịp này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ một lần nhắc đến Kỳ tích Sông Hàn (thực ra là sông Hán - Hán Giang) và mơ ước một ngày nào đó những ký tích như thế sẽ diễn ra ở Việt Nam.
Có thể Thủ tướng không biết, hơn 20 năm trước đây, các học giả và doanh nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản đã nói đến điều này về Việt Nam với một niềm tin rất chắc chắn, vậy mà…
Cách nay hơn 20 năm, trong lời tựa cho cuốn sách có tên là “Tiềm năng cho kỳ tích sông Sài Gòn”, tôi có viết: “Bắt đầu từ năm 1980 người ta chính thức gọi Seoul là “Kỳ tích sông Hán” (Han miracle) trên các phương tiện truyền thông quốc tế để ghi nhận một sự nhảy vọt đến kinh ngạc về kinh tế và kéo theo đó là những thay đổi về xã hội - văn hóa, lối sống.
Trung Quốc hãnh diện về danh hiệu “Kỳ tích sông Hoàng Phố” khi mà Phố Đông của Thượng Hải xuất hiện năm 1990. Thượng Hải với Phố Đông đã góp phần tạo nên một Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và là tâm điểm của “kỷ nguyên châu Á” trong thế kỷ 21 này.
Những nhà doanh nghiệp đầu tiên của Hàn Quốc đến Việt Nam làm ăn vào năm 1992, mà bãi đáp đầu tiên được chọn là TP. HCM. Từ đó đến nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến TP. HCM, tất cả các Cheabon lớn nhất của Hàn Quốc đều có mặt ở đây, và từ đó tạo ra một làn sóng nhập cư mới với 150.000 người sống ở thành phố này và vùng phụ cận.
Họ đến và đặt kỳ vọng mạnh mẽ vào nơi này, do vậy mà từ năm 2007, người Hàn Quốc đã nói đến một “Kỳ tích sông Sài Gòn” cho TP.HCM, tương tự người Nhật Bản nói đến “Kỳ tích sông Hồng” cho Hà Nội. Chúng ta đã từng xác quyết rằng có cơ sở để tin nhất định thế giới sẽ biết đến “Kỳ tích sông Sài Gòn” trong một tương lai không xa.
Vậy mà hơn 20 năm sau, điều mong mỏi cháy bỏng này chưa có một dấu hiệu nào cho thấy đang xuất hiện. Rất nhiều người trong chúng ta đã hơn một lần tự hỏi, tại sao “Kỳ tích sông Sài Gòn” chưa hay không thể xuất hiện.
Nếu nói về tiềm năng tự nhiên thì quả thật Seoul, Tokyo không sánh bằng TP. HCM. Đã lần nào bạn tự hỏi tại sao các nhà của Seoul chất nhiều đá tảng ở hàng rào, sân vườn thế? ấy là vì hơn 70% diện tích của Hàn Quốc là sỏi đá, đất canh tác ít, tài nguyên khoáng sản hầu như không có gì ngoài than và đá vôi. Vậy mà trên cái nền tảng nghèo nàn đó họ đã lập nên kỳ tích và làm cho nó ngày càng mạnh lên.
Thật sự, Sài Gòn - TP. HCM có đầy đủ những tiềm năng để trở nên một “kỳ tích”, bởi so với tất cả các thành phố và vùng miền khác trong cả nước thì thành phố Hồ Chí Minh là nơi có vị thế thuận lợi nhất cho giao thương nội vùng và quốc tế, là cửa ngõ thông thương dễ dàng với thế giới bên ngoài.
Ở nơi đây có sân bay quốc tế bay đến hơn 120 quốc gia, có giao thông thủy thông thẳng ra biển Đông có thể ra phía Bắc, đến Trung Quốc và sang Cam-pu-chia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines rất thuận tiện. Hệ thống đường bộ qua cửa khẩu Mộc Bài nối với các nước Đông Nam Á như Cam-pu-chia, Thái Lan, Lào và nối với hệ thống dải thành phố ven biển miền Trung, cũng như Tây Nguyên. Sở hữu giao thông thuận tiện là sở hữu tài nguyên lớn.
Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực".
Ông Lý Quang Diệu Nguyên Thủ tướng Singapore
Một điều khác nữa cần ghi nhận là không nhiều thành phố trên thế giới có sự ổn định về địa chất và khí hậu tốt như TP. HCM. Thành phố này chưa bao giờ có động đất, hầu như không phải chịu một trận bão nào. Thành phố chưa khi nào bị hạn hán thiếu nước, mưa nắng hai mùa rõ rệt. Cha ông chúng ta và tiền nhân (kể cả người bản địa và người nước ngoài) đã lựa chọn và xây dựng nên một thành phố thật là “thiên thời, địa lợi” có đủ đất đai, sông nước, rừng biển, và cả gió. Nhiều thành phố muốn sở hữu một phần nhỏ trong số đó mà không được. Sở hữu sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng là sở hữu một tài nguyên cực kỳ quý báu.
Một điều quan trọng là lịch sử của thành phố này cho thấy nó chưa bao giờ đóng cửa với ai, không tẩy chay, không phân biệt kỳ thị ai. Bất kể người nào, dù khác biệt màu da, ngôn ngữ, chủng tộc nhưng đến đây làm ăn với thiện chí và sự tử tế thì đều được đón chào.
Thành phố này không quá lớn nhưng có chỗ cho tất cả mọi người. Một vùng đất hấp dẫn nhà đầu tư trước là lợi nhuận, nhưng lâu dài là quan hệ con người. Người ta nói, sở hữu một vùng đất mà con người thân thiện, tử tế, cởi mở là sở hữu một tài nguyên nhân văn vô giá bởi, suy cho cùng, con người kiếm tiền để được sống tử tế với nhau chứ không phải kiếm tiền để khoe mẽ, hơn thua.
So với các vùng miền khác trong cả nước, thành phố này là nơi tiếp nhận kinh tế thị trường với những tinh hoa của nó sớm nhất, tiếp nhận nền công nghiệp tiên tiến với các kỹ thuật và công nghệ hiện đại sớm nhất, và tiếp nhận văn minh đô thị sớm nhất và đầy đủ nhất trong cả nước.
Lịch sử thành phố này cho thấy, con người đã nhiều lần vượt qua khó khăn, chưa bao giờ chịu bó tay thúc thủ trước bất kỳ thách thức nào. Chính từ nơi đây những cái mới, cái đầu tiên xuất hiện, sau đó mới lan tỏa ra khắp cả nước. Sớm sở hữu những công nghệ - kỹ thuật tiên tiến của nhân loại là sở hữu một tài nguyên mang giá trị cao của sự cạnh tranh và sáng tạo.
Là một nhà nghiên cứu, dành hết một đời nghiên cứu về đô thị, nghiên cứu về Sài Gòn –TP. HCM, tôi cứ mãi vật vã với câu hỏi rằng một thành phố hội tụ trong mình nó tất cả những gì thuộc về sức mạnh kinh tế, công nghệ - kỹ thuật, nhân văn và thời đại như thế mà tại sao không làm nên một “Kỳ tích sông Sài Gòn”.
Lẽ nào do văn hóa truyền thống với những giá trị xưa cũ làm nặng hành trang trên vai chúng ta? Lẽ nào do tính cách vùng miền làm cho chúng ta dễ bằng lòng với hoàn cảnh và chấp nhận các chế định lỗi thời? Thật vô lý khi mà một thành phố mỗi ngày thu ngân sách từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng mà không đủ tiền làm nổi một tuyến Metro chỉ dài có 17 km mà phải kéo dài những 18 năm, chưa biết đến bao giờ kết thúc.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng rất đau lòng khi biết được điều này, vào năm 60 của thế kỷ trước, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng hy vọng rằng “một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển được như Sài Gòn” và trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam năm 1993 ông nói: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.
Sau hơn 40 năm phát triển, chả lẽ những giá trị mà chúng ta sở hữu nay đã cũ kỹ lỗi thời, đã tuột khỏi tay hay có một lực cản nào đó kìm hãm không cho chúng bùng phát?
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bao-gio-ky-tich-song-sai-gon-1579247911063.htm