BAO GIỜ MỚI HẾT 'GIẢI CỨU' NÔNG SẢN?
Bất đắc dĩ chúng ta mới phải tổ chức các đợt 'giải cứu' nông sản bởi đó là cách làm không thể hiện đúng bản chất của quy luật cung-cầu; nó cũng phản ánh những bất cập về chiến lược phát triển một sản phẩm nông sản nào đó. Trong cơ chế thị trường, phát triển sản xuất thì không thể phụ thuộc vào cảm tính.
Mùa vải năm nay đã bắt đầu với lứa vải thiều chín sớm. Vải sẽ đúng vụ từ giữa tháng 6 này. Những địa danh vải thiều ngon nổi tiếng của nước ta, như Hải Dương, Bắc Giang... rất hy vọng vào một vụ mùa được giá. Ngay sau vụ vải thì đến vụ nhãn; còn trước đó vài tháng là vụ cam. Nước ta có thế mạnh về trái cây do là vùng nông sản nhiệt đới. Tuy vậy, đây cũng là thời điểm dịch Covid-19 có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản nên các địa phương đã lên phương án cho việc tiêu thụ, trong đó cùng với chú trọng xuất khẩu thì hai mũi nhọn được quan tâm là thúc đẩy tiêu thụ trong nước và chế biến sau thu hoạch (đóng hộp, nước ép, sấy khô, trữ lạnh...).
Không ai mong muốn lặp lại kịch bản “giải cứu” như từng xảy ra với một số nông sản. Người nông dân vô cùng vất vả, một nắng hai sương mới làm ra được sản phẩm, bởi thế mong muốn thoát khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá” là chính đáng. Tuy vậy, họ chỉ là những người sản xuất đơn thuần nên chuyện giá cả và sản lượng tiêu thụ nằm ngoài khả năng của họ. Những vấn đề trong chuỗi liên kết này từ sản xuất-phân phối-tiêu thụ... cần một tổng chỉ huy thực thụ.
Xuất khẩu là rất quan trọng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc vào một thị trường cụ thể là hướng đi đúng, cần tiếp tục xúc tiến. Cùng với đó, các chuyên gia, nhà quản lý đã nhìn thấy nội lực rất lớn của thị trường trong nước mà chuỗi tiêu thụ sản phẩm chưa khơi thông được. Trong khi chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường trong nước thì lại để nhiều mặt hàng nông sản nước ngoài chiếm lĩnh. Thế mới có chuyện nho Mỹ, táo Nhật, xoài Thái… giá cao hơn hẳn mà vẫn được nhiều người Việt Nam tìm mua. Việt Nam với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân, đó là một thị trường lớn. Đời sống nhân dân ngày càng khá hơn nên nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng có giá trị cao cũng tăng nhanh. Chúng ta cần thực sự quan tâm đến thị trường trong nước.
Về hoạch định chính sách, phân tích những điểm yếu của nông sản nước ta các chuyên gia chỉ ra rằng, cần khơi thông khâu liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ, đây là mắt xích yếu nhất. Nhiều nông sản ngon mà người dân có nhu cầu cũng không sẵn để mua được bởi nó không được bán phổ biến. Điều này có nguyên nhân từ khâu phân phối, lưu thông trên thị trường còn bất cập. Có một thực tế, việc bán nông sản của người nông dân phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Thế nên mới có chuyện thương lái chèn ép, thao túng giá. Người trực tiếp làm ra thì hưởng ít mà khâu trung gian lại hưởng nhiều. Muốn khắc phục thực trạng này, cả người nông dân và đơn vị tiêu thụ phải đặt lên hàng đầu chữ “tín” với tác phong và tư duy công nghiệp. Doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ gắn chặt với nông dân bằng các cam kết thực trên cơ sở lợi ích bền vững, lâu dài chứ không thể vẫn là chuyện vì chạy theo lợi nhuận tức thời, vì lợi ích mà một trong hai bên sẵn sàng phá vỡ cam kết.
Ở tầm vĩ mô, chúng ta phải quan tâm giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, bài toán phát triển bền vững. Sản xuất phải được tính toán khoa học theo quy hoạch, theo năng lực thực tế thị trường dài hơi chứ không thể chạy đua tức thời dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Ở đây, vai trò chủ đạo thuộc về bộ, ngành, địa phương quản lý. Thứ hai, đầu tư để chế biến được nông sản, mà đặc biệt là trái cây. Theo tính toán của các nhà kinh tế, khâu chế biến mới thực sự đem lại giá trị gia tăng cao, cao hơn nhiều so với xuất nông sản tươi. Khâu này chúng ta còn thực sự yếu.
Suy cho cùng, một quốc gia hùng mạnh thì phải phát huy được nội lực. Mọi người dân cần có trách nhiệm với đất nước để nhân lên Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bao-gio-moi-het-giai-cuu-nong-san-619825