Bao giờ ngoài đường không còn… rác?

Ở nhiều địa phương trên cả nước, từ nông thôn đến thành thị, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân vô tư xả rác ra đường. Rác thải nhiều khiến những con đường, tuyến phố trở nên nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước…

Anh bạn tôi làm hướng dẫn viên du lịch, thường xuyên tiếp xúc với du khách nước ngoài. Trong những lần trò chuyện với tôi, anh thường trăn trở: “Khách nước ngoài thực sự yêu thích đất nước, con người Việt Nam vì nước ta có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, người Việt Nam thân thiện, mến khách, các vùng miền đều có những món ăn ngon… nhưng các bạn “chê” ở nhiều nơi, ngoài đường nhiều rác quá!”.

Những lúc như vậy, anh bạn tôi miệng thì cười trừ nhưng trong lòng thì ngượng ngùng, xấu hổ vì du khách nói đúng, rác ngoài đường nhiều quá!

Những hình ảnh này không khó để bắt gặp trên các tuyến phố ở nhiều đô thị lớn. Ảnh: TRUNG PHƯƠNG

Những hình ảnh này không khó để bắt gặp trên các tuyến phố ở nhiều đô thị lớn. Ảnh: TRUNG PHƯƠNG

Ở nhiều địa phương trên cả nước, từ nông thôn đến thành thị, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân vô tư xả rác ra đường. Thôi thì đủ kiểu: Quá trình dọn dẹp nhà cửa vứt, tập kết đồ hỏng, đồ cũ không đúng nơi quy định; hàng quán sau khi chế biến đồ ăn, rửa bát… cứ hất thẳng nước thải ra đường; nam thanh nữ tú ăn quà, uống nước rồi “tiện tay” vứt túi ni-lông, vỏ nhựa bừa bãi; nhiều người ăn mặc đẹp, đi ô tô hạng sang nhưng ý thức kém, cứ tự nhiên hạ kính xe, vứt vỏ chai nước, giấy ăn, đồ ăn thừa xuống phố; thậm chí còn có tình trạng đại tiện, tiểu tiện ra đường, hè phố… Rác thải nhiều khiến những con đường, tuyến phố trở nên nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước.

Người dân uống nước rồi bỏ lại cốc nhựa-một hành vi xả rác bừa bãi. Ảnh: TRUNG PHƯƠNG

Người dân uống nước rồi bỏ lại cốc nhựa-một hành vi xả rác bừa bãi. Ảnh: TRUNG PHƯƠNG

Đâu là nguyên nhân của tình trạng xả rác bừa bãi? Không thể phủ nhận việc ở nhiều đô thị lớn, do mật độ dân số cao, hạ tầng quá tải khiến người dân không có nơi tập kết rác phù hợp, việc thu gom, xử lý rác gặp nhiều khó khăn, nhưng đó không phải nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính là ở ý thức của mỗi người. Nếu mỗi người dân nâng cao ý thức, biết thấy xấu hổ với người khác và với chính bản thân mình khi thực hiện hành vi xả rác bừa bãi thì chắc chắn, tình trạng “rác thải đầy đường” sẽ không còn.

Vì thế, giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức của mỗi người dân chính là giải pháp căn cơ, lâu dài để ngoài đường không còn rác.

Muốn thế, trước hết phải chú trọng công tác giáo dục từ trong nhà trường, trong mỗi gia đình cho đến toàn xã hội. Trường học phải là nơi giáo dục học sinh có ý thức yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng xử có văn hóa, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Cha mẹ là người trực tiếp, hằng ngày dạy bảo, hướng dẫn con từ những việc làm nhỏ nhất như để rác đúng nơi quy định, dọn dẹp, thu gom khi thấy rác thải trong nhà, ngoài ngõ, đồng thời phải là tấm gương để con em noi theo. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cả xã hội phải chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phát động, tổ chức hiệu quả các phong trào xây dựng đời sống văn hóa nói chung, gìn giữ, bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp nói riêng…

Nếu có dịp đến Sa Pa (Lào Cai) những năm gần đây, du khách sẽ được chứng kiến một Sa Pa sạch, hầu như không còn rác thải. Đó là kết quả của việc thực hiện đề án “Sa Pa sạch” được thị xã Sa Pa thực hiện từ tháng 8-2023. Đây cũng là một minh chứng sinh động cho thấy hiệu quả từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các phong trào thi đua phù hợp.

Người dân thị xã Sa Pa thu gom rác thải. Ảnh: Báo Lào Cai

Người dân thị xã Sa Pa thu gom rác thải. Ảnh: Báo Lào Cai

Theo đó, hưởng ứng đề án “Sa Pa sạch”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và người dân trên địa bàn thị xã Sa Pa đã thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi; chú trọng thu gom rác thải trên đường, làm đẹp cảnh quan môi trường; gọn hóa đường dây điện và dây viễn thông trên các tuyến phố... Thực hiện đề án, địa phương cũng đã tổ chức nhiều phong trào, điển hình như phong trào “Ngày Chủ nhật sạch”, đã tạo thành nền nếp, cứ đến ngày Chủ nhật, người dân lại cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm...

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, cũng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi xả rác bừa bãi. Theo các chuyên gia bảo vệ môi trường, xử phạt hành chính là một trong những chế tài nếu áp dụng tốt sẽ phát huy hiệu quả. Thế nhưng hiện nay, mặc dù pháp luật đã có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác không đúng quy định, nhưng trên thực tế hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý. Đây là một hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới để tạo tính răn đe, tránh tình trạng nhờn luật, góp phần để phố phường ngày càng sạch, đẹp hơn.

Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ, quy định:

a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

b) Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.

TRUNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-gio-ngoai-duong-khong-con-rac-792704