Bao giờ ngư dân Ba Đăng hết khổ vì cửa lạch bị bồi lấp?

Nhiều năm kiến nghị ngành chức năng nạo vét hoặc kè cửa lạch sông Phan để tàu thuyền ra vào thuận tiện, nhưng rồi đâu cũng vào đó, ngư dân Ba Đăng vẫn đang tự hỏi bao giờ mình mới hết vất vả với nơi đậu tàu thuyền.

Có bến cũng như không

Cách đây 5 năm, người dân Ba Đăng, xã Tân Hải, thị xã La Gi chia sẻ với chúng tôi về sự bồi lấp ở cửa lạch sông Phan, nơi điểm cuối của con sông đổ ra biển, khiến tàu thuyền ra vào khó khăn. Họ luôn ước ao cửa lạch được bê tông hóa để thuận tiện đi lại. Chính điều đó chúng tôi đã có bài viết: “Ngư dân Ba Đăng ước mơ có cảng cá”.

Lần trở lại hôm nay vẫn thấy không có gì thay đổi, cửa lạch sông Phan “bên bồi, bên lở” ngày càng nặng hơn. Hơn 200 tàu thuyền của ngư dân Ba Đăng, vẫn trong cảnh “ăn đợi, nằm chờ” hoặc “ăn nhờ ở đậu” ở bến bãi khác vì không thể ra vào cửa lạch khi con nước ròng. “Cứ nước lớn chúng tôi mới ra khỏi cửa lạch đi đánh bắt, trở về lúc thủy triều xuống, không vào được bên trong cửa lạch thì đến Mỏm Đá Chim ở xã Tân Tiến lân cận đưa hải sản lên bờ cho vợ, con chở đi bán. Rồi nằm chờ con nước lớn chạy về vào cửa lạch, chuẩn bị đồ cho chuyến ra khơi hôm sau”, Nguyễn Hữu Tiến – ngư dân Ba Đăng kể về sự khó khăn khi ra vào cửa lạch.

Ghe thuyền đậu bên trong cửa lạch

Điệp khúc chờ đợi tính toán con nước lên, xuống để ra vào cửa lạch thuận lợi cho việc bám biển mưu sinh như đã thành thói quen của ngư dân nơi đây. Với anh Hữu Tiến là những hộ có ghe nhỏ, còn những hộ có tàu lớn phải về Cảng cá La Gi hay Kê Gà, nơi cách nhà gần 20 km, tốn thêm khoản chi phí thuê người trông coi tàu. Những ngày trời êm biển lặng thì không nói, nhưng giông bão biển động mạnh, tàu lỡ đứt dây trôi ra biển thì dù có đêm mưa cũng phải chạy đến cảng kéo tàu vào bờ. “Vì người trông coi chỉ có nhiệm vụ canh giữ để không mất mát tài sản, việc tàu đứt dây trôi ra biển, họ không chịu trách nhiệm. Cho nên khi cứ thấy họ gọi điện thông báo, ai nấy lo mà chạy đi vớt tàu”, ngư dân Huỳnh Văn Trung đậu tàu ở Cảng cá La Gi chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hải cho biết: Năm 2021 là năm đáng nhớ nhất đối với ngư dân Ba Đăng. Lũ từ thượng nguồn sông Dinh ào ào đổ ra cửa biển La Gi khiến hàng loạt tàu thuyền chìm và hư hỏng, trong đó có tàu thuyền của ngư dân Ba Đăng. Đúng thời điểm La Gi căng mình chống dịch Covid-19, với Chỉ thị 16 không ai được đến và ra khỏi La Gi nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan cộng đồng. “Năm ngoái bà con Ba Đăng thiệt hại khá lớn do cửa lạch sông Phan cạn, ngư dân phải đưa tàu về Cảng La Gi đậu bị chìm và thiệt hại khá nhiều”.

Ghe thuyền thường xuyên bị mắc cạn tại cửa lạch gây hư hại

Mong nạo vét cửa lạch

Mong muốn có được cửa lạch thông thoáng, chỉ có thể hóa giải khi ngành chức năng quan tâm, nạo vét thường xuyên, khảo sát làm kè ngăn bồi lấp. “Trước đây chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với ngành chức năng về thực trạng, họ cũng có quan tâm nhưng đâu cũng vào đó, cửa lạch vẫn cạn, tàu thuyền không thể ra vào được. Ngư dân ở đây rất khổ”, ông Nguyễn Văn Hóa, thành viên của Vạn - Tân Lập, thôn Ba Đăng nói về những nỗi khốn khó của ngư dân.

Năm 2015, UBND thị xã La Gi đã kiến nghị với UBND tỉnh về tình trạng cửa lạch sông Phan bị bồi lấp ảnh hưởng đến nghề vươn khơi của ngư dân. Sau đó nhận được sự thống nhất của các bên cho phép Công ty TNHH Doanh thương Việt Nhật nạo vét cửa biển Ba Đăng bằng hình thức xã hội hóa. Đến năm 2016, công ty này tiến hành nạo vét thông luồng lần 2. Từ đó đến nay, xã Tân Hải vẫn kiến nghị với ngành chức năng đầu tư nạo vét, xây kè cửa biển để tàu ra vào thuận tiện góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trước đó, các hội nghề nghiệp như Hội Nông dân, Vạn chài Ba Đăng cũng kiến nghị nhiều lần. Ông Phú cho biết thêm đang mong ngành chức năng quan tâm việc nạo vét cửa lạch để ngư dân đi đánh bắt, ra vào cửa thuận tiện, giảm chi phí đi lại, vì đánh bắt ngày càng khó khăn, thêm giá xăng, dầu gần đây tăng cao.

Theo Quyết định số 1976, ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận được quy hoạch 12 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 10 khu tránh bão cấp tỉnh: Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công, Phan Rí, Hòa Thắng, Mũi Né, Ba Đăng, La Gi, Hồ Lân, Hà Lãng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-gio-ngu-dan-ba-dang-het-kho-vi-cua-lach-bi-boi-lap-99037.html