Bao giờ nút giao thông ngã tư Dầu Giây hoàn thành?

Bốn năm trước, hạng mục nút giao thông Dầu Giây, nằm giao nhau giữa quốc lộ (QL) 1A và QL 20, thuộc địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai), được đầu tư xây dựng. Dự kiến, công trình hoàn thành sau 11 tháng thi công. Tuy nhiên, hơn ba năm trôi qua, công trình vẫn ì ạch, đang để lại nhiều hệ lụy cho người dân.

Người dân vá ổ gà trên đường để hạn chế các vụ tai nạn do thi công nút giao Dầu Giây gây ra.

Người dân vá ổ gà trên đường để hạn chế các vụ tai nạn do thi công nút giao Dầu Giây gây ra.

Bốn năm trước, hạng mục nút giao thông Dầu Giây, nằm giao nhau giữa quốc lộ (QL) 1A và QL 20, thuộc địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai), được đầu tư xây dựng. Dự kiến, công trình hoàn thành sau 11 tháng thi công. Tuy nhiên, hơn ba năm trôi qua, công trình vẫn ì ạch, đang để lại nhiều hệ lụy cho người dân.

Ba năm qua, từ ngày thi công cầu vượt thuộc nút giao Dầu Giây, gia đình ông Tô Văn Điền, nhà ở mặt tiền QL 1A, thuộc khu phố Trần Cao Vân, thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, thường xuyên phải đóng cửa nhà do ô nhiễm môi trường và các phương tiện qua lại đông đúc: “Thi công chậm khiến bụi bao phủ, buộc tôi phải tạm ngưng kinh doanh quán cà-phê, thường xuyên đóng cửa nhà trong suốt ba năm qua. Ban ngày là vậy, ban đêm từng đoàn xe tải, xe công-ten-nơ lưu thông với tốc độ cao, rất mất an toàn giao thông”, ông Điền bức xúc.

Tương tự, sống cách nhà ông Điền 200 m, bà Bùi Thị Lan cho biết, việc thi công cầu vượt khiến bụi mù mịt vào mùa khô, ngập nước cục bộ những hôm trời mưa lớn. Trên mặt đường qua khu vực này xuất hiện nhiều ổ gà. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng: “Chứng kiến nhiều vụ TNGT thương tâm, tôi cũng như nhiều người dân ở đây không khỏi rùng mình. Có vụ, xe tải vấp ổ gà, tông sập cả nhà. Nhiều lần, tôi lấy cát, đá, xi-măng để trám các ổ gà. Nhưng vừa làm xong chỗ này, lại xuất hiện những vị trí khác, do lưu lượng xe ô-tô tải qua đây dày đặc”, bà Lan chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Dầu Giây Hồ Văn Thiện, sau khi người dân kiến nghị về những hệ lụy từ quá trình thi công nút giao Dầu Giây, địa phương đã nhiều lần làm việc với đơn vị thi công. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi và mất an toàn giao thông hầu như không được cải thiện nhiều: “Gần đây còn có công nhân, máy móc thi công trên công trình, chứ năm ngoái, có thời điểm nhiều tháng thấy ngừng thi công hẳn. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công tăng cường tưới nước để giảm bụi và đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình”, ông Thiện cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho rằng, hệ lụy lớn nhất của việc thi công chậm hạng mục nút giao Dầu Giây là tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông. Cụ thể, theo thống kê, chỉ trong hơn ba năm qua, tại khu vực này đã xảy ra 18 vụ TNGT, làm 14 người chết và nhiều người bị thương. Khu vực này trở thành “điểm đen” về TNGT không chỉ của huyện Thống Nhất và còn cả tỉnh Đồng Nai. “Làm dự án nút giao Dầu Giây với mục đích chính để xóa “điểm đen” TNGT, nhưng thực tế ba năm qua số người bị chết, người bị thương lại tăng cao hơn trước nhiều lần. TNGT tại khu này đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân”, ông Cương cho biết.

Theo tìm hiểu, tháng 4-2015, Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL 20 đoạn Đồng Nai - Lâm Đồng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), hoàn thành. Thời điểm này, dự án xây dựng xong, còn dư nguồn vốn nên UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung xây dựng hạng mục nút giao Dầu Giây và tuyến tránh TP Bảo Lộc vào Dự án. Sau đó, nút giao Dầu Giây được khởi công xây dựng vào tháng 3-2017. Công trình có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: Xây dựng cầu vượt Dầu Giây dọc theo QL 1A, mặt cắt ngang cầu 16m với bốn làn xe cơ giới; mở rộng nút giao trên QL 1A và QL 20; mở rộng một đoạn QL 20 dài khoảng 1,5 km từ nút giao Dầu Giây về hướng tỉnh Lâm Đồng. Theo kế hoạch, sau 11 tháng, kể từ ngày khởi công sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, sau ba năm, dự án liên tục bị trễ hẹn.

Trong nhiều lần làm việc với UBND huyện Thống Nhất, chủ đầu tư, đơn vị thi công đều lý giải, nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng chậm và thiếu nguồn vốn. Năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai từng có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý những khó khăn của dự án để thi công hoàn tất công trình. Trường hợp khó khăn về nguồn vốn, đề nghị Bộ GTVT có văn bản đề xuất tỉnh Đồng Nai tạm ứng nguồn vốn ngân sách địa phương để nhà thầu hoàn tất các hạng mục còn lại của dự án, đồng thời Bộ cam kết thu xếp nguồn vốn để hoàn trả. Tuy nhiên, Bộ GTVT chưa có ý kiến về nội dung trên.

Trước bức xúc của cử tri về nút giao thông huyết mạch giữa hai tuyến quốc lộ thi công chậm, gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc trong nhiều cán bộ, đảng viên và người dân, ngày 18-12-2020, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Về vấn đề này, ngày 4-2, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký văn bản trả lời cử tri tỉnh Đồng Nai. Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT lý giải, nguyên nhân chậm tiến độ công trình là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài ba năm. Cụ thể, dù khởi công từ tháng 3-2017, nhưng phải đến ngày 10-8-2020, UBND huyện Thống Nhất mới hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Điều này không chỉ làm tiến độ thi công chậm, mà còn làm kinh phí giải phóng mặt bằng tăng hơn tám lần so ban đầu, từ 16,7 tỷ đồng lên hơn 139 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn, Bộ GTVT cho rằng, Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL 20 đoạn Đồng Nai - Lâm Đồng không được hoàn thuế VAT 360 tỷ đồng theo phương án tài chính, do thay đổi chính sách về thuế, dẫn đến thiếu vốn. Ngày 3-7-2019, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung 183,8 tỷ đồng còn thiếu cho dự án theo nội dung cam kết. Đến ngày 26-10-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng mới chấp thuận bố trí số tiền nêu trên từ ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, ngay sau khi địa phương bàn giao phần mặt bằng còn lại, đơn vị đã quyết liệt chỉ đạo nhà đầu tư, thu xếp ứng vốn và triển khai thi công ngay. Hiện nay nhà thầu đang tập trung cao độ thi công, đồng thời phối hợp lực lượng chức năng địa phương bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực.

Đại diện Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long, chủ đầu tư dự án nút giao Dầu Giây cho biết, đến ngày 10-3, đơn vị thi công hoàn thành khoan cọc nhồi đối với ba trụ và một mố cầu còn lại của hạng mục cầu vượt nút giao Dầu Giây. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai thi công trụ cầu và ép cọc, lao dầm cầu. Tuy nhiên, nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn, vì vẫn chưa được giải quyết hoàn thuế VAT theo như phương án tài chính của dự án và chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao do thời gian thực hiện kéo dài.

Đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai kiên quyết đôn đốc nhà đầu tư, đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án.

Bài và ảnh: THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-gio-nut-giao-thong-nga-tu-dau-giay-hoan-thanh--640757/