Bao giờ Việt Nam có sandbox?

Một chặng đường dài vô tận từ việc phải chờ các quy định trong luật cho phép, sau đó Quốc hội ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và Chính phủ làm nghị định… không biết bao nhiêu năm nữa Việt Nam mới có một sandbox đúng nghĩa...

Sandbox là nơi doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm mới và cũng là nơi để cơ quan quản lý nhà nước học.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, các sản phẩm, dịch vụ mới như xe tự hành, công nghệ y tế (MedTech), công nghệ tài chính (Fintech)...

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ mới cũng đặt ra thách thức cho các cơ quan làm chính sách, khi pháp luật lại chưa có quy định hoặc không cho phép hoạt động của những sản phẩm, dịch vụ này.

Cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory sandbox) được coi là một giải pháp để điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ công nghệ mới chưa được kiểm chứng hoặc dự liệu bởi các quy định pháp luật.

NHIỀU HẠN CHẾ CẢN TRỞ CƠ CHẾ THÍ ĐIỂM – “SANDBOX THỜI KỲ ĐẦU”

Tính đến thời điểm hiện nay (giai đoạn 2016-2021), chỉ có 2 cơ chế thí điểm ban hành. Đề án 24 cho các doanh nghiệp công nghệ trong ngành vận tải bằng xe hơi là một cơ chế thí điểm như thế, được ban hành theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT64.

Theo đó, doanh nghiệp công nghệ được tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng thông qua việc cung cấp ứng dụng kết nối giữa tài xế và người dùng.

Một cơ chế thí điểm khác dành cho tiền điện tử (Mobile Money), theo Quyết định số 316/QĐ- TTg65. Doanh nghiệp viễn thông được cung cấp dịch vụ thanh toán cho người sử dụng thông qua tài khoản viễn thông – lĩnh vực trước đây chỉ do các tổ chức tín dụng cung cấp theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Các cơ chế thí điểm đã bước đầu có cách tiếp cận tương tự như một sandbox, nhằm tháo gỡ khó khăn từ các quy định pháp luật và chỉ các doanh nghiệp có đề án được chấp thuận mới được tham gia cơ chế, chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước.

Mặc dù vậy, báo cáo của VCCI chỉ rõ, cơ chế thí điểm vẫn có những điểm hạn chế lớn. Đầu tiên, cơ chế thí điểm khó có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc điểm của các mô hình kinh doanh mới là số lượng không hề nhỏ và xuất hiện càng nhiều theo sự phát triển của công nghệ, kéo theo đó là nhu cầu tham gia thử nghiệm rất lớn.

Trong khi đó, số lượng các cơ chế thí điểm rất ít. Phạm vi của cơ chế thí điểm cũng rất hẹp, chỉ áp dụng cho một loại sản phẩm, dịch vụ cụ thể (taxi công nghệ, tiền di động).

Hơn nữa, cơ chế thí điểm không có cơ chế ban hành rõ ràng. Xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, ý tưởng về việc ban hành cơ chế thí điểm có thể đến từ đề xuất của chính doanh nghiệp.

Tuy vậy, việc xử lý đề xuất của doanh nghiệp và chuyển thành cơ chế thí điểm hoặc từ chối đề xuất đó lại không rõ ràng. Vì vậy, có một số quan ngại về tính công bằng giữa các nhóm doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Mặt khác, cơ chế thí điểm không thực sự “miễn trừ” quy định của pháp luật. Ý tưởng của việc xây dựng sandbox là cho phép doanh nghiệp được miễn thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Nhìn vào các cơ chế thí điểm đã có, dường như các cơ chế này đang cố tạo ra không gian bổ sung bên cạnh các quy định sẵn có, thay vì “phá bỏ” các quy định này.

“Các hạn chế này đã cản trở cơ chế thí điểm trở thành một sandbox, do đó khó có khả năng nhân rộng đáp ứng mục tiêu hỗ trợ đổi mới sáng tạo”, ông Tuấn nhấn mạnh.

KHI NÀO CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM ĐƯỢC BAN HÀNH?

Đáng quan ngại, việc ban hành cơ chế thử nghiệm ở Việt Nam dường như cũng “chậm” hơn so với các nước khác. Trên thế giới, 73 sandbox đã được thông báo thiết lập trong lĩnh vực lĩnh vực Fintech tính đến tháng 8 năm 2020. Trong khu vực Đông Nam Á, 6 nước đã thiết lập sandbox gồm: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.

Bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, thừa nhận trong thời gian gần đây cách ứng xử của chúng ta với vấn đề công nghệ mới dường như rơi vào tình trạng “nói nhiều nhưng mà không làm được bao nhiêu”.

Ví dụ về vấn đề tiền ảo, trong chương trình Chính phủ số ban hành năm 2021, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các vấn đề về tiền ảo. Nhưng trước đó, từ năm 2017, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng một đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các vấn đề phát trình đối với tài sản ảo và tiền ảo, và Thủ tướng đã phê duyệt từ năm 2017.

“Tức là nó đã có từ năm 2017 và cũng đã giao hết bộ ngành, ban ngành, giao cho Ngân hàng Nhà nước làm gì, Bộ Tài chính làm gì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm gì,...rất rõ ràng cụ thể, nhưng đến giờ này vẫn chưa có chính sách nào được ban hành”, bà Hoa nhấn mạnh.

Cách chúng ta làm về sandbox hiện nay, theo bà Hoa, là không đúng, các dự thảo luật lại dàn hàng ngang để đưa vấn đề sandbox vào.

Nếu mà phải chờ các quy định trong luật cho phép sau đó mới đến Quốc hội ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và Chính phủ mới làm nghị định thì như thế rất là lâu và cứ chờ “đau đẻ” như thế thì không biết bao giờ mới xong được, không biết bao nhiêu năm nữa chúng ta mới có một sandbox đúng nghĩa và có một thị trường sử dụng các dịch vụ blockchain hoặc thị trường của fintech đúng nghĩa.

Trong khi chúng ta rất cần sandbox bởi vì đây được xem là nơi doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm mới và cũng là bước đệm để doanh nghiệp gia nhập thị trường với sản phẩm mới.

Vũ Khuê -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bao-gio-viet-nam-co-sandbox.htm