Bao giờ xong dự án tuyến cống thoát nước Khe Cạn?

Bao năm nay, cứ đến mỗi trận mưa, các khu dân cư trong vùng quy hoạch dự án cống thoát nước Khe Cạn (kéo dài từ P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ qua P. Thanh Khê Tây, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lại ám ảnh bởi cảnh ngập lụt vào nhà. Người dân đang mong chờ chủ đầu tư và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để khớp nối các gói thầu, giải quyết tình trạng ngập úng, sớm ổn định đời sống.

Tuyến cống đoạn đi qua địa bàn Q. Thanh Khê cơ bản hoàn thành, đi vào hoàn thiện để khớp nối…

Tuyến cống đoạn đi qua địa bàn Q. Thanh Khê cơ bản hoàn thành, đi vào hoàn thiện để khớp nối…

Chờ hết cảnh "mưa lớn là lội nước trong nhà"

Dù đã bị điều chỉnh hướng thoát nước so với quy hoạch ban đầu nhưng dự án cống thoát nước Khe Cạn trên địa bàn P. Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê) đoạn từ cầu vượt Ngã ba Huế kéo về sông Phú Lộc đã cơ bản hoàn thành, hợp long các mũi thi công. Sau thời gian dài chịu cảnh ô nhiễm, tù đọng, người dân sống quanh dự án đang chờ để "test" khả năng thoát nước của tuyến cống dài hơn 1,4km này. "Đợt mưa lớn hôm 14-10 vừa rồi thì công trình còn dang dở, lại ngập toàn thành phố nên cũng chưa thể đánh giá được. Giờ thì thấy tuyến cống chạy theo khu dân cư tương đối đẹp, khẩu độ lớn. Chỉ tiếc là hầu hết nhà dân nằm trong vùng quy hoạch dự án tổng thể, không được xây dựng, sửa chữa nên giờ đa số cốt nền lại thấp hơn mặt cống", ông Nguyễn Văn Học, người dân có nhà ngay bên cống thoát nước Khe Cạn đi qua, thuộc P. Thanh Khê Tây cho biết

Suốt nhiều năm qua, hàng chục hộ dân tại tổ dân phố 13, 14 thuộc P. Hòa An (Q. Cẩm Lệ) sống dọc theo khu vực quy hoạch dự án cống thoát nước Khe Cạn thường xuyên phải chịu cảnh cứ có mưa lớn là phải khiêng đồ lên cao. Nhiều gia đình đã thiết kế giá để vật dụng trong nhà, tủ đặt ti-vi, tủ lạnh, bếp ăn, bàn ăn ở mức cao hơn bình thường để chủ động tránh ngập lụt nhưng vẫn không kịp trở tay trước nhiều trận mưa lớn bất ngờ. Ông Nguyễn Thanh Tùng (người dân trú kiệt 451 Tôn Đản, thuộc tổ 13, P. Hòa An) cho biết, bình thường có những cơn mưa lớn ở khu vực khác không ảnh hưởng thì nhà ông và hàng chục hộ dân xung quanh đã phải chịu cảnh nước ngập bánh xe máy để trong nhà. Nhiều gia đình ở phía trong ngập nửa tủ lạnh, bàn ghế phòng khách, bàn ăn dù đã được chủ động kê lên trước đó. Riêng đợt mưa lớn như giữa tháng 10 vừa qua thì cả xóm gần như tê liệt, phải bỏ nhà kéo về gia đình nào cao tầng để ở tạm. Khổ nhất trong số này là gia đình ông Mai Lê Hoàn khi có nhà nằm ở vị trí "cổ chai" của đường kiệt bị ách tắc khâu giải phóng mặt bằng để triển khai dự án suốt nhiều năm qua. Nhà ông Hoàn 2 tầng kiên cố, cốt nền nhà cũng cao hơn mặt đường nhưng cứ có mưa là nước dồn về không có đường thoát nên chạy lụt như cơm bữa. "Tường nhà luôn có vạch chạy quanh do mưa ngập để lại. Cứ có mưa lớn là đồ đạc trôi lềnh bềnh trong nhà. Tất cả nội thất, đồ gia dụng đều được kê cao hơn bình thường nhưng nhiều đêm không kịp trở tay. Người dân mỏi mòn chờ dự án hoàn thành để chấm dứt nỗi ám ảnh này. Mong là năm nay hoàn thành để được an cư", ông Hoàn mong mỏi.

… Tuy nhiên đoạn đi qua địa bàn P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ tiến độ đang rất chậm do khó khăn về mặt bằng thi công.

… Tuy nhiên đoạn đi qua địa bàn P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ tiến độ đang rất chậm do khó khăn về mặt bằng thi công.

Nếu có mặt bằng thi công, sẽ hoàn thành trong năm 2022

Ông Lê Thanh Quang- Trưởng phòng Điều hành giám sát 2, BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho biết, công trình tuyến cống thoát nước Khe Cạn bổ sung đoạn đầu tuyến từ cầu vượt Ngã ba Huế đến sông Phú Lộc, thuộc địa bàn Q. Thanh Khê thì cơ bản đã hoàn thành, đang trong giai đoạn khớp nối các mũi thi công để hoàn thiện. Tuy nhiên đoạn từ chợ Chiều đến khu dân cư Phước Tường thuộc địa phần P. Hòa An (Q. Cẩm Lệ) thì mới chỉ đạt hơn 80% khối lượng công việc. Tuyến cống này dài 1.318m thuộc hợp đồng 1.7 Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng, giá trị xây lắp gần 15 tỷ đồng, khởi công tháng 5-2018 nhưng do vướng khâu giải phóng mặt bằng nên đến nay chưa thể hoàn thành. Vường mắc lớn nhất ở đoạn này là di dời đường dây tín hiệu thông tin đường sắt Quảng Nam- Đà Nẵng và mượn mặt bằng nhà dân để đưa máy móc, nhân công vào thi công. Hiện việc di dời đường dây tín hiệu do Ban thực hiện cơ bản đã xong, chính quyền Q. Cẩm Lệ giải phóng mặt bằng đến đâu sẽ thi công đến đó. "Nếu thuận lợi, đến 31-12-2022 sẽ hoàn thành, khớp nối với đoạn trên địa bàn Thanh Khê, giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng nặng tại khu vực này trong những năm qua", ông Quang thông tin.

Ông Võ Văn Vân, cán bộ kỹ thuật phụ trách thi công của nhà thầu là Cty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam cho biết, hiện đã hoàn thành 1.071/1.318m tương đương 81% khối lượng công việc. Đơn vị thi công đang tập trung triển khai các đoạn cống có vị trí mặt bằng, tuy nhiên đoạn từ kiệt 451 Tôn Đản đến kiệt 379 Tôn Đản với chiều dài 230m còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với việc phối hợp Cty Quản lý hệ thống tín hiệu thông tin đường sắt Quảng Nam- Đà Nẵng, BQL dự án Q. Cẩm Lệ đang phải vận động 26 hộ dân cho mượn đất để mở rộng ranh giới thi công nhằm đảm bảo an toàn. "Khu vực này đường kiệt rất nhỏ, nếu không có mặt bằng thi công thì máy móc, phương tiện không thể triển khai được. Tiến độ là 31-12-2022 phải xong nhưng phụ thuộc rất nhiều vào mặt bằng. Nếu có địa hình, chúng tôi sẽ chia nhiều mũi thi công, nhưng việc này phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền địa phương và người dân", ông Vân cho hay.

Trong khi đó, theo ông Võ Thiên Sinh- Phó Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ, vướng mắc lớn nhất là nhiệm vụ di dời hệ thống thông tin đường sắt chứ không phải là việc bàn giao mặt bằng của dân. Cơ quan chức năng quận đã họp xong và thẩm định hồ sơ từ lâu, người dân cũng đã thống nhất cho mượn mặt bằng để mở rộng ranh giới thi công dự án, thi công xong thì trả lại. "Nếu Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên giải quyết xong việc di dời hệ thống thông tin đường sắt thì người dân sẽ bàn giao, cho mượn mặt bằng thôi, vì đây là giải quyết ngập úng, ổn định cuộc sống cho khu dân cư. Việc này đã thống nhất xong từ lâu rồi", ông Sinh cho hay.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bao-gio-xong-du-an-tuyen-cong-thoat-nuoc-khe-can-post269580.html