Báo Hàn lý giải chiến thắng của 'Ký sinh trùng' tại Oscar 2020

Tờ The Hankyoreh của Hàn Quốc chỉ ra chuỗi nguyên nhân giúp bộ phim 'Parasite' giành chiến thắng giòn giã tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92 vừa qua.

Giây phút ‘Ký sinh trùng’ được xướng tên Phim hay nhất tại Oscar 2020 Cả khán phòng vỡ òa vì chiến thắng của “Parasite”. Đây là tác phẩm không dùng tiếng Anh đầu tiên nhận tượng vàng Oscar hạng mục Phim truyện xuất sắc trong lịch sử.

Tại lễ trao giải Oscar năm nay, Parasite giành chiến thắng vang dội với 4 tượng vàng, trong đó có hạng mục quan trọng nhất là Phim truyện xuất sắc. Điều này không chỉ khiến công chúng, mà ngay cả đạo diễn Bong Joon-ho cũng cảm thấy bất ngờ.

Trong quá khứ, các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc thường chỉ được vinh danh tại các liên hoan phim lớn như Cannes, Berlin hoặc Venice. Trong lịch sử, Oscar luôn là sân chơi riêng của Hollywood, và chưa có bộ phim nào không sử dụng tiếng Anh ẵm giải Phim truyện xuất sắc sau gần 100 năm.

Parasite cũng đánh dấu lần đầu tiên một đạo diễn người châu Á nhận giải Oscar nhờ một dự án chỉ sử dụng ngôn ngữ, diễn viên bản địa. Ngoài bản thân chất lượng nội dung của bộ phim, chiến thắng lịch sử còn mang nhiều yếu tố bên ngoài như sự bùng nổ của văn hóa K-Pop và những nỗ lực của Viện Hàn lâm nhằm xóa bỏ sự kỳ thị chủng tộc.

Sự tinh tế của “mùi hương”

Về tổng thể, chủ đề của Parasite là sự phân hóa giàu - nghèo. Hàn Quốc là một xã hội tư bản, và là nơi bất động sản chiếm phần lớn của cải. Theo đó, ngôi nhà giống như tượng trưng cho địa vị xã hội và sự giàu có của chủ nhân.

Trong phim, vấn đề giai cấp được phân định bằng ba không gian: tầng trệt, tầng bán hầm và tầng hầm. Đây là cách triển khai quen thuộc của nhiều tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra, Parasite đồng thời sớm xây dựng xung đột thù ghét giữa các nhân vật.

 Sự phân hóa giàu - nghèo trong Parasite đạt đến mức đỉnh điểm và dẫn tới cái kết gây sốc.

Sự phân hóa giàu - nghèo trong Parasite đạt đến mức đỉnh điểm và dẫn tới cái kết gây sốc.

Trong phim, Park Dong Ik (Lee Sun Kyun) nói: “Ông ta chưa bao giờ vượt qua ranh giới, nhưng mùi của ông ta thì có”. Điều đó có nghĩa tay giám đốc công nghệ giàu có không ghét bỏ hành vi của Gi Taek (Song Kang Ho), mà có vấn đề với chính sự tồn tại của ông tài xế.

“Mùi tầng hầm” không phải là mùi của một nơi cụ thể, mà dùng để ám chỉ những người nghèo đói. Chi tiết đến từ câu thoại “mùi của những người đi tàu điện ngầm”. Bong Joon-ho đã sử dụng thủ pháp ẩn dụ để thể hiện những ý tưởng phức tạp về các tầng lấp thông qua khứu giác.

Bộ phim tiết lộ rằng sự phân hóa giữa người giàu và người nghèo đã trở nên cực đoan và chứa đựng luôn cả yếu tố thù hận. Từ lâu, người Hàn Quốc đã cố gắng che đậy khuynh hướng đó. Nhưng Parasite lại cho thấy rõ sự thật tệ hại đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng.

Đây chắc chắn không phải là vấn đề của riêng xã hội Hàn Quốc. Nó xuất hiện tại bất kỳ quốc gia nào mà mâu thuẫn giai cấp đạt tới đỉnh điểm và dần chuyển hóa thành thù hận. Do đó, khán giả nước ngoài vẫn có thể hiểu được bộ phim mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào lời thoại.

Hơn nữa, cốt truyện của Parasite được phát triển theo cách khác biệt so với các bộ phim Hollywood khuôn mẫu. Đơn cử như việc tác phẩm không có nhân vật phản diện. Dù giàu hay nghèo, tất cả nhân vật đều đi theo con đường của riêng mình. Song, sự thù hận và giận dữ của họ vào những thời điểm quan trọng đã dẫn đến cái kết gây sốc.

Jessica Jingle và sự ghen tỵ với nước Mỹ

Bộ phim có thể không dành cho nước ngoài, nhưng lại chứa đựng nhiều yếu tố thu hút khán giả phương Tây, đặc biệt là người Mỹ. Trên thực tế, xứ sở cờ hoa là quốc gia tiềm ẩn nhiều vấn đề chủng tộc và giai cấp vô cùng nghiêm trọng với vô số người sống “ký sinh” vào hệ thống phúc lợi.

Trên hết, Parasite nhấn mạnh sự ghen tỵ của người Hàn Quốc đối với xã hội Mỹ. “Bài hát ghi nhớ” của Ki Jung (Park So Dam) bắt đầu bằng câu “Jessica, con một, đến từ Illinois, Chicago”, hay xu hướng phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu thích pha trộn từ tiếng Anh vào các cuộc trò chuyện, phần nào đó cho thấy xứ kim chi coi nước Mỹ như một chuẩn mực kinh tế và xã hội.

 Câu hát của Ki Jung ở đầu phim gây thích thú và sau đó được cư dân mạng remix.

Câu hát của Ki Jung ở đầu phim gây thích thú và sau đó được cư dân mạng remix.

Còn việc Da Song (Jung Hyeon Jun), con trai ông Park, ăn mặc như người da đỏ mang nhiều tính biểu tượng. Vở kịch cậu bé đang tập luyện vừa là hiện thân của tình cảm với người Mỹ da trắng, vừa ám chỉ về lịch sử thảm sát tàn khốc đối với dân Mỹ bản địa.

Hơn nữa, bản thân Bong Joon-ho cũng có “thói quen” đả phá nước Mỹ. Nhiều khán giả từng bắt gặp quan điểm phê phán của ông trong các bộ phim như The Host (2006), Snowpiercer (2013) và Okja (2017).

Bất chấp toàn bộ thế mạnh đó, bộ phim có thể chẳng bao giờ giành chiến thắng tại Oscar nếu không nhờ vào sự bùng nổ của văn hóa K-Pop. Nhóm nhạc đình đám BTS đang “làm mưa làm gió” và sở hữu lượng người hâm mộ ngày một đông đảo ngay tại nước Mỹ.

Bản thân nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc cũng đã đủ lớn mạnh để các hãng phim Hollywood buộc phải chú ý đến. Đây là một trong số ít các quốc gia đã thành công chống lại việc phải phụ thuộc vào Hollywood, và tự tạo ra hàng trăm thành phẩm nội địa mỗi năm. Chính thị trường nội địa đã giúp nâng cao uy tín của điện ảnh Hàn Quốc trên đấu trường quốc tế.

Ảnh hưởng của chiến dịch vận động và nỗi lo trở thành “địa phương” của Hollywood

Công chúng không thể bỏ qua số tiền khổng lồ mà ê-kíp Parasite chi ra trong chiến dịch vận động hành lang suốt mùa giải Oscar vừa qua. Nhiều người đã có cái nhìn mỉa mai về bài phát biểu dài dòng của Lee Mi Kyung - phó chủ tịch của Tập đoàn CJ - với nội dung đi ngược hẳn với chủ đề bộ phim, vào đúng khoảnh khắc lịch sử. Tuy nhiên, thành công của một tác phẩm chắc chắn không chỉ dựa vào tầm nhìn của đạo diễn, mà còn cả vào kinh phí và chiến lược đằng sau.

 Lee Mi Kyung - phó Chủ tịch tập đoàn CJ - phát biểu vào khoảnh khắc Parasite vừa lên ngôi.

Lee Mi Kyung - phó Chủ tịch tập đoàn CJ - phát biểu vào khoảnh khắc Parasite vừa lên ngôi.

Nhưng lý do lớn nhất cho chiến thắng của Parasite có lẽ đến từ chính nội bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Một bộ phận nhà phê bình Mỹ dường như cảm thấy tự ái với lời nhận xét của Bong Joon-ho trong một cuộc phỏng vấn rằng Oscar chỉ là một sự kiện mang tính “địa phương”.

Người Mỹ luôn cho rằng mình là trung tâm của thế giới. Họ giả định rằng bởi nước Mỹ có mọi thứ, nên quốc gia vẫn mang tính quốc tế mà không cần vượt qua đường biên giới. Viện Hàn lâm đã cảm thấy sốc khi bị dán nhãn “địa phương” như thế.

Sau đó, vị đạo diễn người Hàn Quốc còn đưa ra lời nhận xét về rào cản của phụ đề tại lễ trao giải Quả cầu vàng. Điều đó cho thấy khán giả Mỹ, mặc dù tuyên bố ủng hộ sự đa dạng văn hóa, hầu như không xem phim nước ngoài chỉ vì lười đọc phụ đề.

Rốt cuộc, Bong Joon-ho đã “gãi đúng chỗ ngứa” của người Mỹ về niềm tự hào văn hóa, và giúp Parasite giành tổng cộng 4 tượng vàng. Cả Bong, Lee Mi Kyung của CJ, và chính Viện hàn lâm đều hưởng lợi từ chiến thắng lịch sử này.

Sau tất cả, điều oái oăm nhất là việc Đảng Tự do Hàn Quốc đang kêu gọi mở viện bảo tàng nhằm vinh danh Bong Joon-ho. Dưới thời bà Park Geun Hye, chính họ đã đưa Bong vào danh sách đen văn hóa và đến nay vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi chính thức. Đó có lẽ là tình huống trớ trêu và hài hước mà chính Parasite cũng không thể đem lại cho khán giả.

Hạ Tuyết

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bao-han-ly-giai-chien-thang-cua-ky-sinh-trung-tai-oscar-2020-post1050855.html