Bạo hành chó ở Đà Lạt: Khi thú cưng thành công cụ kiếm tiền

Chủ nhân của những chú chó này hoàn toàn không coi con vật mình nuôi là thú cưng mà chỉ là một công cụ để kiếm tiền.

Những ngày qua, clip ghi lại cảnh chú chó Alaska bị nam thanh niên dùng dây xích vào cột sắt tại nhà, dùng gậy đánh đập tàn bạo vào mặt, đầu tới mức phát ra những âm thanh rên rỉ, đau đớn được chia sẻ rộng rãi và thu hút về lượng lớn sự chú ý của cộng đồng mạng.

Đấy là lúc ở nhà, còn khi ở nơi công cộng, ngay tại quảng trường Quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), chú chó Alaska bị chủ nhân la mắng lớn tiếng vì không… được việc. Tuy không đánh đập dã man như ở nhà, nhưng nam thanh niên cũng dùng gậy “tác động vật lý” vào vùng đầu, mặt, còn chú chó thì hoảng loạn cúi đầu.

Chú chó Alaska bị nam thanh niên dùng dây xích vào cột sắt tại nhà, dùng gậy đánh đập tàn bạo vào mặt, đầu.

Ngay tại quảng trường Quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), chú chó Alaska bị chủ nhân người kéo, người đánh.

2 đoạn clip nói trên đã khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ. Hàng loạt những page lớn đăng bài, rất nhiều người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng cũng chia sẻ lại câu chuyện và kêu gọi đòi lại sự tự do cho những chú cún bị bắt làm dịch vụ chụp ảnh ở Đà Lạt.

Dịch vụ chụp ảnh với chó vẫn tiếp diễn

Tổ chức Take Action Vietnam (Tổ chức chuyên bảo vệ thú cưng) cách đây 1 ngày đã cập nhật tình hình những chú chó ở quảng trường Lâm Viên:

"Khoảng 19-20h tối 20/8, khi đi qua khu vực chợ đêm, chúng tôi thấy có 2 con chó đang bị bắt ngồi làm cảnh trong trạng thái mệt mỏi.

Còn quảng trường khi này sự xuất hiện của các bé cũng đã trở lại, ad đã thử nói chuyện bằng cách hỏi han nhưng chủ của các bé đều là những thanh niên đang ở độ tuổi nông nổi, trả lời ad bằng những ngôn từ khinh khỉnh, cũng nôm na nói rằng người đánh chó là người khác, họ không có đánh nên họ vẫn cứ làm kinh doanh."

Dịch vụ chụp ảnh với chó vẫn tiếp diễn (Ảnh: Take Action Vietnam)

Dịch vụ chụp ảnh với chó vẫn tiếp diễn (Ảnh: Take Action Vietnam)

Hiện tại, những tranh cãi xoay quanh việc bạo hành chó cảnh ở Đà Lạt vẫn diễn ra mạnh mẽ trên các diễn đàn. Facebook Trang Nguyễn bày tỏ: "Mình thề mình không đi Đà Lạt nữa, không bao giờ! Không bao giờ bước chân đến nữa! Mong mọi người 1 nút chia sẻ để các cháu không còn khổ nữa!"

Fanpage "Boo Thúi - Nhà Boo Thúi Cafe & More Đà Lạt" - một mô hình kinh doanh cafe kết hợp cũng chia sẻ câu chuyện của mình kèm dòng cảm xúc: "Mỗi khi hình ảnh các bé cụp người xuống chịu đựng những trận tấn công xuất hiện trong đầu. Mình tự trách bản thân nhiều vì không làm gì được. Tụi nó đã coi người nuôi là chủ yêu thương vô điều kiện bên cạnh đó lại đem kinh tế về cho người nuôi. Thì hành động đó đáng lên án tẩy chay thật mạnh mẻ cũng như trả lại vẻ đẹp cho Đà Lạt."

Xuất hiện từ lâu, nhưng giờ mới được chú ý

Mô hình chụp ảnh cùng thú cưng này đã xuất hiện từ lâu. Công việc của những chú chó là đeo những phụ kiện đáng yêu như mắt kính, bông hoa, đứng liên tục để tương tác và chụp ảnh với mọi người. Phí cho mỗi lần chụp tùy tâm, thường dao động từ 20.000 đồng.

Tình trạng ngược đãi và trục lợi từ thú cưng này đã xuất hiện từ năm 2022. Theo đó, một người khách đến Đà Lạt du lịch đăng tải video chia sẻ khoảnh khắc chú chó bị chủ dùng gậy đánh nhiều phát vào người, chỉ vì chạy vào bóng râm tránh nắng mà không chịu chụp ảnh với khách.

Sự việc này đã từng khiến cộng đồng những người yêu động vật vô cùng bất bình. Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó đúng đợt dịch Covid, nên câu chuyện cứ thế từ từ lắng xuống.

Chỉ đến đầu năm nay, làn sóng phản đối việc chụp ảnh với những chú chó ở quảng trường Lâm Viên mới thực sự mạnh mẽ. Đỉnh điểm là khi những đoạn video bạo hành chó vừa rồi được đăng tải, thì không chỉ những người yêu động vật, mà gần như tất cả những người xem đoạn video đều phải lên tiếng.

Khi thú cưng thành công cụ kiếm tiền

Ở một số nước trên thế giới, mô hình kinh doanh trên động vật khá phổ biến. Như ở Nhật Bản, có những nhà hàng thú cưng, hay những quán cà phê nơi khách hàng có thể giao lưu với những chú chó, chú mèo, thậm chí là hamster, thằn lằn... Tuy nhiên, đi kèm với đó là những quy định rất chặt chẽ và nhất quán, ưu tiên sức khỏe tinh thần và sự thoải mái của thú cưng.

Ở Việt Nam nói chung và ngay tại Đà Lạt nói riêng, cũng có những mô hình kinh doanh thú cưng nổi tiếng, ví dụ như vườn thú Zoodoo.Đây là một nơi có thể vừa “thăm thú”, vừa chụp hình check-in, nhâm nhi cafe và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm khác. Tuy nhiên ở những mô hình kinh doanh như thế này phải được xây dựng theo quy chuẩn, đáp ứng các điều kiện về bảo vệ thể chất của động vật như đảm bảo điều kiện sống, sức khỏe hay quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn kiểu chụp hình với chó ở quảng trường Lâm Viên chỉ là những mô hình tự phát.

Những người ngược đãi động vật sẽ bị xử lý ra sao?

Ngày 21/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt (UBND TP Đà Lạt) chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương vào cuộc, xử lý phản ánh về tình trạng ngược đãi động vật nuôi.

Theo đó, UBND TP Đà Lạt đề nghị Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, xác nhận thông tin cư trú của các đối tượng có hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi tại Quảng trường Lâm Viên trong các video clip, hình ảnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 27/8/2024. UBND TP Đà Lạt cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân phường 10 chịu trách nhiệm phối hợp với tổ kiểm tra liên ngành tăng cường lực lượng tuần tra, giám sát, chấm dứt tình trạng lợi dụng vật nuôi để kinh doanh, chụp ảnh với khách du lịch.

Bên cạnh đó UBND TP. Đà Lạt cũng giao cho Phòng Văn hóa & Thông tin, Phòng Kinh tế tuyên truyền tới người dân về việc chăm sóc, bảo vệ vật nuôi.

Về chế tài, khoản 1, Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định người đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.

Trầm Phương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/bao-hanh-cho-o-da-lat-khi-thu-cung-thanh-cong-cu-kiem-tien-2023958.html