Bạo hành trẻ em, ngược đãi động vật kiếm hàng nghìn USD trên mạng
Trẻ em và động vật là hai chủ đề phổ biến của các video lan truyền trên Internet. Một số video nội dung này mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho chủ kênh.
Những đoạn video về một đứa trẻ đang biểu diễn kỹ năng đặc biệt hay một chú mèo làm trò hài hước đang trở thành trào lưu thu hút hàng nghìn lượt xem và chia sẻ trên Internet, đặc biệt trong dịch Covid-19.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về hậu trường và cách mà các video đó được dàn dựng. Mới đây, series “Beyond The Viral” đã chỉ ra mặt tối của ngành công nghiệp này.
Wang Kai, cậu bé có khả năng ném những lá bài xuyên qua trái cây và rau củ, video của Kai thu hút hơn 700 triệu lượt xem, 60 triệu lượt chia sẻ và 200.000 lượt đăng ký, đưa cậu trở thành ngôi sao online từ 4 năm trước.
Một số bình luận thậm chí cho rằng những video của Kai thật bổ ích và chia sẻ những kỹ năng thực tế để ứng dụng vào cuộc sống.
Nhờ những video như vậy, cậu bé kiếm được gần 2.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 7 triệu đồng) mỗi tháng, bằng một nửa thu nhập hàng tháng của gia đình mình ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc quay và đăng video đã sớm biến thành áp lực của cậu bé, cậu phải cố gắng duy trì nguồn thu nhập này cho gia đình mình.
“Em biết rằng bố em đăng nội dung mới hàng ngày. Đôi khi, ông ấy còn tự mình quay video cho em. Ông ấy rất nghiêm khắc với em. Ông ấy thậm chí sẽ đánh em nếu em biểu diễn không đạt”, cậu chia sẻ.
Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về những video lan truyền trên Internet trở thành một công việc kinh doanh nghiêm túc.
Biến trẻ em thành chủ đề chính
Có một điều chắc chắn là những người làm video luôn có sẵn một lượng khán giả nhất định, “thèm khát” các nội dung mới mỗi ngày.
Chỉ tính riêng trên YouTube, mỗi ngày có đến hàng tỷ giờ xem và số video được tải lên tăng 40% mỗi năm tính từ năm 2014.
Khảo sát cũng chỉ ra trẻ em biểu diễn kỹ năng là nội dung phổ biến. Trên ứng dụng Douyin, phiên bản TikTok nội địa ở Trung Quốc, một nửa top 20 video về trẻ em năm 2020 là nội dung biểu diễn một kỳ tích nào đó.
“Người Trung Quốc định kiến rằng rằng trẻ em nước này có thể làm nhiều điều kỳ diệu. Và sự kỳ lạ thường là điều thu hút chúng ta đến với những video trên Internet”, Crystal Abidin, nhà nghiên cứu cấp cao của Đại học Curtin phân tích.
Một video có 71 triệu lượt xem về cậu bé Lin Lin, 4 tuổi, sống ở thành phố Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc. Cậu bé có thể đỗ và xoay đầu ô tô đồ chơi của mình rất điệu nghệ.
Để chứng minh mình thực sự làm được điều này, Lin Lin đã biểu diễn đảo chiều chiếc xe của cậu giữa những hàng trứng với độ chính xác cao trước mắt đoàn làm phim Beyond The Viral.
“Em biết là em nổi tiếng, nhưng em không biết nổi tiếng như vậy nghĩa là gì”, cậu nói.
Một trường hợp khác là cô bé Yixin, người có thể điều khiển ván trượt cân bằng từ khi mới chập chững.
Khi kênh CNA đến quay hình, cô bé đã 2,5 tuổi. Em đã điều khiển ván trượt trong một giờ mà không vấp ngã lần nào.
Mẹ cô, bà Wang Ago cho biết cô bé thành thạo ván trượt chỉ sau 10 phút làm quen với phương tiện này. “Tôi nghĩ điều này thật ấn tượng, nên tôi đã khoe nó với bạn bè của mình ngay lập tức”, bà chia sẻ.
Quay lại trường hợp của Wang Kai, cậu bé với khả năng phi bài. Kai cũng thể hiện khả năng của mình trước ống kính, cậu không chỉ phi bài cắt rau củ mà còn có thể phi trúng lon nước.
Nền tảng kỹ thuật số đã cho Wang Kai quyền mơ ước lớn hơn: “Mục tiêu của em là ghi tên vào kỷ lục Guiness thế giới”, cậu nói.
Wang Kai bắt đầu tập với những lá bài từ năm lên 6 khi mẹ cậu bỏ nhà ra đi. Cậu đã hi vọng nếu nổi tiếng, mẹ cậu sẽ quay về. Tuy nhiên, mẹ cậu chưa từng quay về mặc dù bà có liên lạc với cậu.
Không có thành công nào không đau đớn
Làm ra một video truyền cảm hứng thực sự không dễ, kể cả với những thiếu niên có tài năng thực sự. Wang Kai tập luyện liên tục trong 4 năm qua và đã sử dụng hơn 400 bộ bài. Bố của Kai nói rằng lúc mới bắt đầu, Kai thậm chí không thể chịu được và thường xuyên gặp chấn thương cổ tay.
“Tôi nói với Kai rằng con không thể bỏ cuộc chỉ vì những cơn đau nhất thời. Sự bền bỉ phải tính bằng năm tháng”, ông chia sẻ.
Ngược lại với Wang Kai là trường hợp của cậu bé 2 tuổi, Xiao Tian. Người cậu và bố của Tian nhận ra xu hướng thích xem trẻ em ngoan ngoãn và làm những việc tốt của cộng đồng mạng.
Họ đã lên ý tưởng và quay lại cảnh con mình nhặt chai nước bên đường, cho vào thùng rác. Video này có đến hơn 17 triệu lượt xem.
“Có được bao nhiêu người sẽ nhặt chai nước bị vứt trên đường? Vì vậy, video chúng tôi làm chạm đến trái tim của mọi người”, cậu của Tian nói.
Kênh CNA cho rằng bố và cậu của Tian là những nhà làm phim chuyên nghiệp. Họ đã tạo nên thành công cho cậu bé.
Ngoài ra còn có Liu Limei ở tỉnh Hunam, cô bé có tài chạm khắc rau củ từ 6 tuổi. Những video của cô mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình cô.
“Trong lúc livestream, người hâm mộ có thể tặng từ 200 đến 300 nhân dân tệ cho Limei, thật không thể tin được”, cha của Limei, ông Liu Guocheng nói.
Cộng đồng mạng còn quyên góp được gần 660.000 nhân dân tệ cho Limei và anh trai bị bệnh bạch cầu chữa bệnh tại Bắc Kinh.
Hiện tại, mặc dù quỹ quyên góp đã tạm dừng, Limei vẫn miệt mài nâng cao kỹ thuật tỉa rau củ với hy vọng các video sẽ thu hút nhiều người xem hơn trong tương lai.
Động vật bị bạo hành trong các video
Ngoài trẻ em, động vật cũng là chủ đề nổi bật của các video tạo cảm hứng. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực không mấy trong sáng.
Nổi bật trong số đó phải kể đến Jiff Pom, chú chó giống Pomeranian, có hơn 21,1 triệu người hâm mộ trên TikTok, 10,5 triệu người theo dõi trên Instagram và mang về tới 35.000 bảng Anh (tầm 46.000 USD) cho mỗi bài đăng trên Instagram.
Khi giá trị mang lại ngày càng nhiều và tính cạnh tranh ngày càng cao, chúng ta hoàn toàn không biết những gì mà chủ nhân của những thú cưng này làm với chúng để tạo nên các video nổi tiếng trên mạng.
Nhà sản xuất phim, Will Braden, người có công việc là xem khoảng 15.000 video mỗi năm để đảm bảo rằng không có con vật nào bị hại trong các video mà anh ấy kiểm duyệt, kể về một trường hợp điển hình:
“Tôi thấy có điều kỳ lạ ở một video về chú mèo nhảy xuyên qua tuyết. Vì vậy, tôi đã phóng to video lên để kiểm tra kỹ hơn và phát hiện rằng có người đã ném chú mèo ra ngoài trời tuyết”.
Một video khác trên YouTube về chú chó giống Poodle đi bằng 2 chân sau, nhiều người xem đã bất bình cho rằng làm như vậy là tàn nhẫn với chú chó.
“Việc này sẽ gây ra nhiều đau đớn cho chú chó về sau. Chó có ngưỡng chịu đau cao nên có thể nó không phản kháng lại vấn đề ngay lập tức, nhưng điều này chắc chắn gây ảnh hưởng lâu dài”, Joy Chia-Ling, nhà huấn luyện chó chuyên nghiệp cho biết.
Trong một video phổ biến khác, một con lười chậm chạp dường như đang cười khúc khích khi bị cù. Tuy nhiên, giáo sư Anna Nekaris, Đại học Oxford Brookes chỉ ra con vật thực sự đang giơ tay để tự vệ.
Khi loài lười bị đe dọa, nó sẽ giơ cánh tay lên để tiết nọc độc và nước bọt để chống trả lại kẻ thù.
“Trong video, chúng tôi không thấy một con vật dễ thương mà là một con lười đáng thương đang ở thế phòng thủ. Tôi nghĩ đây là dấu chấm hết cho loài vật chậm chạp này”, cô nói thêm.
Khuyến khích buôn bán động vật hoang dã
Các video về động vật có thể thúc đẩy hoạt động buôn bán chúng.
Cassandra Koenen, người đứng đầu các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, lưu ý rằng có 15% người trong khảo sát cho rằng các video trên YouTube đã truyền cảm hứng cho họ mua những loại thú cưng mới lạ, một nửa trong số họ không tìm hiểu trước khi mua.
"Các trang web lớn vẫn đang gặp khó khăn hoặc phớt lờ thực tế là những con vật này liên tục được bán trên nền tảng của họ. Buôn bán động vật trên mạng quá dễ dàng. Bạn xem video, tìm kiếm địa điểm, đặt hàng và sau đó con vật sẽ được giao đến nhà bạn”, Koenen cho biết.
Ngoài ra, Koenen lý giải rằng mọi người thường nghĩ những con vật lạ xuất hiện trong video “không có nguy cơ tuyệt chủng” và phù hợp để làm thú cưng vì nó không cắn người chủ của mình.
Paul Lewis, người điều hành Mái ấm Động vật Forgotten Kingdom tại Seattle, không thể nhớ nổi số lượng động vật mà anh đã cứu hộ. Đa số động vật sống ở trung tâm đều được giải cứu bởi các cơ quan quản lý động vật hoang dã hoặc bị chủ của chúng bỏ rơi.
Trong đại dịch COVID-19, anh thậm chí nhận thấy xu hướng phát trực tuyến video về động vật hoang dã tăng cao, điều này khuyến khích người xem mua hoặc nhận nuôi những con vật này.
“Những loài động vật hoang dã cần rất nhiều sự chăm sóc. Tuy nhiên, chủ của chúng sẽ không ở bên cạnh chúng thường xuyên, chúng chắc chắn sẽ gặp vấn đề”, anh khẳng định.