Bảo hiểm bắt buộc chủ xe cơ giới: Nâng mức bồi thường, nhưng phí bảo hiểm giữ nguyên
Chiều 8/4/2022, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị phổ biến về một số cơ chế, chính sách bảo hiểm. Thông tin tại hội nghị cho biết, nhiều quy định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới sẽ tăng thêm quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an); ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã thông tin cụ thể, chi tiết về những điểm mới của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, việc chi trả bồi thường dễ dàng hơn
Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Nghị định 03/2021/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực hiệu quả của chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Ông Bùi Thanh Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, Nghị định 03/2021/NĐ-CP đã đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường cho người được bảo hiểm.
Theo đó, nghị định mới đã cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; chỉ phải thu thập các tài liệu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp các vụ tai nạn gây hậu quả tử vong đối với hành khách và bên thứ ba, đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH); bổ sung biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất được thống nhất giữa DNBH và chủ xe, người lái xe quy định nhằm tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của DNBH và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong quan hệ dân sự.
Toàn cảnh hội nghị ở phía đầu cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh.
Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thêm, Nghị định 03/2021/NĐ-CP cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm. Theo đó, nghị định đã mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng của chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới; đồng thời cho phép DNBH được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định tại nghị định (trong đó có số đường dây nóng), được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.
Cùng với đó, Nghị định 03/2021/NĐ-CP đã mở rộng thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy và tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô. Nghị định cũng yêu cầu DNBH phải thực hiện tạm ứng bồi thường trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo tai nạn, đảm bảo cho người được bảo hiểm tiếp cận ngay được nguồn tài chính đảm bảo thực hiện trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định DNBH phải thiết lập, duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, giải đáp vướng mắc và kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm thu thập tài liệu, hồ sơ yêu cầu bồi thường và tổ chức công tác giám định tổn thất khi xảy ra tai nạn; mặt khác, phải tích hợp chức năng tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử của DNBH, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tra cứu, xác minh thời hạn, hiệu lực bảo hiểm.
Nâng tiền được bảo hiểm lên mức 150 triệu đồng/người/vụ
Cũng theo ông Bùi Thanh Hải, một điểm mới quan trọng của Nghị định 03/2021/NĐ-CP là đã nâng mức trách nhiệm bảo hiểm.
Theo đó, đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra lên 150 triệu đồng cho 1 người trong một vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự gây ra; 100 triệu đồng/1 vụ do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe máy chuyên dùng gây ra.
Nghị định 03/2021/NĐ-CP cũng mở rộng đối tượng và nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo: Trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại nghị định (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, lái xe hoặc của người bị thiệt hại), Quỹ bảo hiểm xe cơ giới chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân, cụ thể: 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong; 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Trong khi đó, phí bảo hiểm được giữ nguyên. Tuy nhiên, căn cứ vào lịch sử tai nạn giao thông và năng lực chấp nhận rủi ro, DNBH được chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm, mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm quy định nhằm phát huy vai trò công cụ điều tiết về mặt kinh tế đôi với hành vi tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Cùng với đó, Nghị định 03 đã tăng cường giám sát hậu kiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm. Cụ thể, nghị định mới quy định trách nhiệm của DNBH, bên mua bảo hiểm, các cơ quan liên quan trong công tác phòng chống, gian lận bảo hiểm; DNBH phải xây dựng, triển khai và bố trí nhân sự kiểm soát thực hiện các quy chế, quy trình về hoạt động nghiệp vụ, kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ và phòng, chống gian lận bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Nghị định mới cũng tăng cường ý thức, trách nhiệm của chủ xe, lái xe trong chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới thông qua việc bổ sung loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản trường hợp lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm.
DNBH được quyền giảm trừ bồi thường (tối đa 5%) trong trường hợp bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ thông báo tai nạn, hoặc nghĩa vụ thông báo khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở tính phí bảo hiểm dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm./.