'Bảo hiểm' của người dân Mản Thẩn

Nhà anh Giàng Seo Sùng ở cuối thôn có 1 con trâu đực khỏe mạnh, những năm qua vất vả cày ải, giúp gia đình anh gặt hái nhiều mùa no ấm. Điều không may ập đến khi trong một buổi cày vụ mùa giữa năm 2021, con trâu bị cảm và chết. Nhận được thông tin, người dân trong thôn đã đến động viên gia đình anh Sùng và vận động các hộ góp tiền giúp anh mua con trâu mới. Gia đình anh Sùng như cởi bỏ được gánh nặng khi vừa mất đi “đầu cơ nghiệp”. Vụ cấy năm nay, do trâu vẫn còn nhỏ, nhiều hộ đã cho anh mượn trâu để phục vụ sản xuất. Anh Sùng bộc bạch: Trong lúc hoạn nạn thì tình làng, nghĩa xóm đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, cảm ơn bà con!

Còn anh Giàng Lồ Pao có 1 con trâu đực khỏe mạnh, nhưng bị chết vào đầu năm 2018 do ngã xuống hang sâu. Trưởng thôn cho họp thôn, các hộ đều nhất trí và mỗi hộ đóng góp 200 nghìn đồng giúp gia đình anh Pao. Từ số tiền đó, anh vay mượn thêm để mua trâu giống. Xuân này, gia đình anh Pao vui hơn khi đàn gia súc từ 2 con giống ban đầu đã tăng lên 5 con. Anh dự định bán 1 con trâu để sửa sang lại nhà ở. Anh Pao hồ hởi: Nhận được ân tình của bà con ngày đó, gia đình tôi thêm ấm lòng.

Cả thôn cùng góp tiền giúp đỡ hộ dân có trâu không may bị chết.

Cả thôn cùng góp tiền giúp đỡ hộ dân có trâu không may bị chết.

Không biết hình thức “bảo hiểm” chăn nuôi có từ bao giờ, nhưng theo chị Hảng Thị Chúa, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, từ khi về làm dâu tại thôn được 7 năm thì thấy đã có trong quy ước rồi, rất nhiều hộ đã được giúp đỡ theo cách như vậy. Theo quy ước, trường hợp gia súc bị chết do ngã vách núi, chết rét thì các hộ trong thôn sẽ góp tiền mua thịt bằng với giá thị trường. Còn nếu gia súc bị bệnh, ốm chết thì thôn sẽ vận động mang đi chôn, sau đó tất cả các hộ sẽ đóng góp tiền theo quy định để giúp hộ đó. Bên cạnh đó, còn rất nhiều “chính sách đãi ngộ” như anh Sùng đã được bà con giúp đỡ mà không mất bất cứ chi phí nào.

Chị Hảng Thị Chúa (thứ hai từ phải sang), Trưởng ban công tác mặt trận thôn vận động người dân tham gia quy ước về "bảo hiểm".

Chị Hảng Thị Chúa (thứ hai từ phải sang), Trưởng ban công tác mặt trận thôn vận động người dân tham gia quy ước về "bảo hiểm".

Đi tìm câu trả lời, chúng tôi được biết “tác giả” của quy ước này là ông Giàng Seo Sáng, người có uy tín trong thôn. Ông từng giữ cương vị Trưởng thôn 36 năm trước khi nghỉ vào năm ngoái do tuổi cao, sức yếu. Ông Sáng nắm rõ mảnh đất quê hương, thấu hiểu cuộc sống của người dân. “Mấy chục năm trước, khi mới làm trưởng thôn, thôn mình nghèo lắm, nhiều hộ không có gạo ăn. Do vậy, việc cùng giúp nhau vượt qua hoạn nạn, vươn lên thoát nghèo là điều nên làm”, ông Sáng tâm sự.

Ông Giàng Seo Sáng, "tác giả" của chế độ "bảo hiểm" đặc biệt này.

Ông Giàng Seo Sáng, "tác giả" của chế độ "bảo hiểm" đặc biệt này.

Đến nay, quy ước đã duy trì thực hiện trong suốt 20 năm. Vốn chẳng được đào tạo hoặc có kiến thức chuyên môn gì về tài chính, nhưng ông Sáng đã nghĩ ra một cách làm rất sáng tạo, giúp cộng đồng người Mông nơi đây tự bảo vệ nhau trong cuộc sống bằng một loại hình “bảo hiểm” độc đáo, được đúc kết trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Sáng giữ vai trò người có uy tín vẫn thường xuyên vận động người dân thực hiện tốt quy ước của thôn.

Ông Sáng giữ vai trò người có uy tín vẫn thường xuyên vận động người dân thực hiện tốt quy ước của thôn.

Ông Sáng nhẩm tính, đã có hơn 100 lượt hộ nhận sự giúp đỡ để vượt qua lúc khó khăn nhất. Số tiền hỗ trợ có thể đong đếm được, nhưng điều ông tâm đắc là tinh thần đoàn kết cộng đồng, đó mới là tài sản vô giá. Vì thế, dù trải qua nhiều thế hệ nhưng các hộ luôn tuân thủ quy ước.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364912-bao-hiem-cua-nguoi-dan-man-than