Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bảo hiểm không chỉ là công cụ tài chính mà còn là một trong những giải pháp quan trọng nhất để phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc phát triển thị trường bảo hiểm mạnh mẽ không chỉ giúp bảo vệ các cá nhân và doanh nghiệp khỏi những tổn thất không mong muốn, mà còn tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế.

Đây là nhấn mạnh của Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền tại tọa đàm “Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng nay, 17.10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Hà Nội.

 Các đại biểu tại Tọa đàm “Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Ảnh: Khánh Duy

Các đại biểu tại Tọa đàm “Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Ảnh: Khánh Duy

“Tấm lá chắn” bảo vệ các bên tham gia khỏi những tổn thất

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, đây là một chủ đề có tính thời sự và mang ý nghĩa chiến lược, không chỉ với ngành bảo hiểm mà còn với toàn bộ nền kinh tế. Bảo hiểm từ lâu đã được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro và là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nền kinh tế hiện đại. Thông qua bảo hiểm, các cá nhân và tổ chức có thể giảm thiểu những rủi ro liên quan đến các yếu tố bất ngờ như thiên tai, tai nạn, bệnh tật, cháy nổ, hay thậm chí là các biến động về tài chính. Trong một thế giới ngày càng phức tạp và đầy rủi ro, bảo hiểm trở thành một tấm lá chắn giúp bảo vệ các bên tham gia khỏi những tổn thất không mong muốn.

 Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Một trong những vai trò quan trọng nhất của bảo hiểm là phân tán rủi ro. Thay vì để một cá nhân hay tổ chức phải chịu toàn bộ gánh nặng tài chính khi xảy ra sự cố, bảo hiểm cho phép sự chia sẻ rủi ro giữa nhiều bên tham gia. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của các rủi ro lên từng cá nhân, doanh nghiệp, và từ đó giảm thiểu những hậu quả xấu lên nền kinh tế chung.

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền

Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ tài chính, bảo hiểm còn đóng vai trò như một nguồn vốn quan trọng cho các hoạt động đầu tư. Khi các công ty bảo hiểm thu phí từ người tham gia, họ tích lũy nguồn quỹ khổng lồ và có thể tái đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nhờ đó, bảo hiểm góp phần cung cấp vốn cho các dự án phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và các hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Một khía cạnh quan trọng khác mà chúng ta cần nhắc tới là vai trò của bảo hiểm trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Trong các thời kỳ khủng hoảng tài chính hoặc thiên tai, bảo hiểm có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho các chính phủ và doanh nghiệp, giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế và ngăn chặn những cú sốc tiêu cực lan rộng.

 Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Cũng theo Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền, bảo hiểm không chỉ là công cụ phòng ngừa rủi ro mà còn là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi bảo hiểm hoạt động hiệu quả, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ sự ổn định tài chính và các nguồn vốn dài hạn từ các quỹ bảo hiểm. Đặc biệt, trong những giai đoạn phát triển kinh tế nhanh, vai trò của bảo hiểm càng trở nên quan trọng.

 Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Trước tiên, bảo hiểm cung cấp sự bảo đảm tài chính cho các doanh nghiệp và người dân. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro phá sản hoặc ngừng hoạt động khi xảy ra sự cố, từ đó giữ cho nền kinh tế không bị gián đoạn.

“Một nền kinh tế mà các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động liên tục và ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đầu tư, mở rộng sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm” - Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

 Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

 Ông Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội phát biểu trực tuyến. Ảnh: Khánh Duy

Ông Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội phát biểu trực tuyến. Ảnh: Khánh Duy

Ngoài ra, bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo. Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ mới. Nhờ có bảo hiểm, họ có thể yên tâm hơn khi thử nghiệm những công nghệ tiên tiến, sáng tạo và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới mà không lo ngại về những tổn thất quá lớn nếu có sự cố xảy ra. Chính yếu tố này là động lực để thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

 Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Một yếu tố khác cần được nhấn mạnh là vai trò của bảo hiểm trong việc bảo vệ hệ thống tài chính. Các công ty bảo hiểm, thông qua việc tái đầu tư quỹ bảo hiểm, tạo ra một cầu nối quan trọng giữa thị trường vốn và hệ thống tài chính. Họ là những nhà đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực chiến lược như cổ phiếu, trái phiếu, và bất động sản. Điều này không chỉ giúp gia tăng thanh khoản cho thị trường tài chính mà còn tạo sự ổn định và bền vững cho hệ thống tài chính của quốc gia.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến bảo hiểm

Vai trò của bảo hiểm là rất rõ và có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cũng chỉ rõ, việc phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Thứ nhất, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo hiểm còn chưa cao. Nhiều người vẫn coi bảo hiểm là một gánh nặng tài chính, hoặc không thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản và sức khỏe thông qua bảo hiểm. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường bảo hiểm chưa thực sự phát triển mạnh mẽ như tiềm năng của nó.

 Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Thứ hai, hệ thống pháp lý liên quan đến bảo hiểm cần được hoàn thiện hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả, minh bạch và bền vững. Những rào cản pháp lý đôi khi khiến các công ty bảo hiểm gặp khó khăn trong việc phát triển sản phẩm mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động.

Để giải quyết những thách thức này, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng. Theo đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và lợi ích của bảo hiểm. Thông qua các chương trình tuyên truyền, các kênh truyền thông, có thể giúp người dân hiểu rõ hơn về bảo hiểm và khuyến khích họ tham gia bảo hiểm để bảo vệ bản thân và gia đình trước các rủi ro. Cải thiện hệ thống pháp lý liên quan đến bảo hiểm, đặc biệt là việc điều chỉnh các quy định pháp luật sao cho linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và cung cấp những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tài chính để tạo ra các sản phẩm tài chính tích hợp, giúp tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường sự quản lý và giám sát của nhà nước đối với các hoạt động bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

 Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Với sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan – từ các nhà làm chính sách, doanh nghiệp bảo hiểm, cho đến cộng đồng người tiêu dùng – chúng ta sẽ có thể xây dựng một thị trường bảo hiểm phát triển bền vững và góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng của đất nước, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền tin tưởng.

Phân tích tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm sức khỏe, và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển… đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khó khăn khi xảy ra sự cố. Nhờ cơ chế bảo hiểm, giúp giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, cho ngân hàng và cho toàn xã hội.

 Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Vietinbank (VBI) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Vietinbank (VBI) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Tuy vậy, hiện nay, nhiều cá nhân và doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt, khủng hoảng niềm tin liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng gần đây đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm phi nhân thọ.

 Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Với vai trò quan trọng của bảo hiểm trong việc hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, các đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp đột phá nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường niềm tin của khách hàng. Đặc biệt, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhằm góp phần phát triển thị trường bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng nhanh hơn và bền vững hơn.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-hiem-giai-phap-phong-ngua-rui-ro-va-thuc-day-tang-truong-kinh-te-post393490.html