Bảo hiểm hàng hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại
Hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa nội địa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực, song thị trường cũng được cảnh báo có khả năng tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro bất định đến từ thiên nhiên, địa chính trị, lạm phát,...
Theo số liệu từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục cho thấy sự nhiều dấu hiệu tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 189,5 tỷ USD (tăng 14,2%) và nhập khẩu đạt 180,2 tỷ USD (tăng 18,1%).
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, dựa trên kết quả thực tế của 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay sẽ vượt qua mục tiêu 6% mà Bộ Công Thương đã đề ra từ đầu năm.
Đồng thời, hoạt động vận tải tại thị trường trong nước cũng duy trì theo hướng tăng trưởng tích cực, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Theo Báo cáo kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024, trong 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 1.263,0 triệu tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 254,8 tỷ tấn.km, tăng 10,3%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro, đặc biệt là trong khâu vận chuyển và giao hàng. Thiên tai, tai nạn hàng hải, hay các sự cố kỹ thuật không mong muốn có thể gây thiệt hại lớn cho hàng hóa và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Chiến lược vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa
Khi đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán, các doanh nghiệp cần chú trọng đến các điều khoản về vận chuyển, giao hàng và bảo hiểm để bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố. Hợp đồng vận chuyển cần có điều khoản về tình huống bất khả kháng, bồi thường và phân chia chi phí khi hàng hóa gặp rủi ro.
Trong bối cảnh này, bảo hiểm hàng hóa là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp bảo vệ tài sản và giảm thiểu tổn thất khi xảy ra sự cố. Đây là cam kết bồi thường của công ty bảo hiểm, theo đó, công ty sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm nếu hàng hóa bị hư hỏng hoặc tổn thất do các nguyên nhân khác nhau, được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Đơn cử như trường hợp gần đây, tháng 12/2023, tàu Morning Vinafco thực hiện vận chuyển hàng hóa cho các chủ hàng từ cảng Hải Phòng đến TP.HCM. Tuy nhiên, trên hành trình, tàu Morning Vinafco gặp phải thời tiết xấu, dẫn đến container của các chủ hàng rơi xuống biển, mất tích, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Dựa trên báo cáo giám định do Công ty CP Giám Định Phương Bắc Hà Nội phát hành, nguyên nhân tổn thất là do kết cấu giữ chân đế container trên nắp hầm hàng của tàu Morning Vinafco kém chất lượng, bị han gỉ, ăn mòn nghiêm trọng. Khi tàu gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi, các kết cấu chằng buộc không đủ khả năng giữ cố định container, dẫn đến sự cố rơi container. Trường hợp doanh nghiệp tham gia bảo hiểm theo điều kiện mọi rủi ro (Điều kiện A), yếu tố thời tiết và chất lượng kém của thiết bị cố định container trên tàu không thuộc các điều khoản loại trừ, do đó tổn thất của doanh nghiệp tham gia bảo hiểm sẽ được bảo hiểm chi trả.
Chính vì thế, trong số các chủ hàng bị thiệt hại, chủ hàng nào trên tàu Morning Vinafco đã tham gia bảo hiểm đủ điều khoản theo điều kiện A – điều khoản bảo hiểm mọi rủi ro, sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm hàng hóa bồi thường với sự cố này. Điều kiện A bảo hiểm cho tất cả các rủi ro gây tổn thất hoặc thiệt hại cho hàng hóa, trừ khi các rủi ro đó nằm trong danh sách loại trừ của hợp đồng bảo hiểm.
Với các chủ hàng không tham gia điều khoản bảo hiểm mọi rủi ro, đây sẽ là một tổn thất lớn. Thực tế, đối với hành trình vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam và với mong muốn giảm nhẹ phí bảo hiểm, các chủ hàng và doanh nghiệp vận tải thường lựa chọn tham gia bảo hiểm theo điều khoản: Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa trong lãnh thổ Việt Nam.
Điều khoản này tương đương với điều khoản bảo hiểm tiêu chuẩn quốc tế của Học Hội Bảo Hiểm Luân Đôn (C-ICC). Như trong sự cố này, công ty Phương Anh ký gửi container chứa xe ô tô trên tàu Morning Vinafco tham gia bảo hiểm với điều khoản bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa, theo các rủi ro đã được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm và sẽ không được bồi thường trong trường hợp tổn thất xảy ra do các rủi ro ngoài phạm vi đã thỏa thuận trước.
Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải trong và ngoài nước nhận định rằng tổn thất rơi container không thuộc quy định về các rủi ro định danh theo điều khoản C-ICC hay Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa.
Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong nước thường được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng, với phạm vi bảo hiểm giới hạn và chọn lọc rủi ro, có thể không bao gồm những tổn thất mà khách hàng không thể dự đoán được. Điều này dẫn đến việc khi khách hàng bị tổn thất, đối chiếu với hợp đồng bảo hiểm, rủi ro đó không nằm trong các điều khoản đã thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và sẽ có thể không được bồi thường.
Khi tham gia bảo hiểm hàng hóa, doanh nghiệp nên cân nhắc đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro tiềm ẩn, bao gồm cả các yếu tố khách quan như thời tiết, tai nạn giao thông, hư hỏng do quá trình xếp dỡ và vận chuyển,... Việc lựa chọn tham gia đầy đủ các chính sách bảo hiểm sẽ giúp nâng cao tính an toàn và sự tin cậy của chuỗi cung ứng hàng hóa, đồng thời đảm bảo quyền lợi tối đa cho các bên liên quan trong mọi trường hợp không may xảy ra. Qua đó, tăng cường niềm tin của đối tác, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, đầu tư vào gói bảo hiểm toàn diện cho hành trình vận chuyển không chỉ đảm bảo sự an tâm cho khách hàng mà còn là bước đi chiến lược để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và xây dựng nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.