Bảo hiểm nhân thọ hết thời tư vấn mập mờ
Sau 1-7, những sản phẩm kèm quyền lợi bổ trợ như tai nạn, bệnh hiểm nghèo... sẽ không còn được bán kèm trong hợp đồng chính.
Vài ngày gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên tục ra thông báo về việc sẽ dừng bán các sản phẩm liên kết đầu tư và sản phẩm bổ trợ từ ngày 1-7, theo quy định mới tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Cụ thể, Manulife Việt Nam vừa gửi thông báo đến đại lý và tư vấn viên về việc dừng bán các sản phẩm: Món Quà Tương Lai, An Tâm Vui Sống, Hành Trình Hạnh Phúc, cùng các sản phẩm bổ trợ từ 1-7 tới. Theo đó, các sản phẩm kèm quyền lợi bổ trợ như tai nạn, bệnh hiểm nghèo... sẽ không còn được bán kèm trong hợp đồng chính.
Tuy nhiên, các hợp đồng bảo hiểm có sản phẩm liên kết đầu tư hoặc sản phẩm bổ trợ còn hiệu lực trước 1-7, vẫn tiếp tục được duy trì theo quy định và điều khoản sản phẩm trong hợp đồng.
Các đại lý của AIA Việt Nam cũng xác nhận sẽ dừng cung cấp Trọn vẹn Cân bằng, Chung khỏe Trọn vẹn, Vạn Dặm An Tâm, cùng với Toàn diện Bệnh hiểm nghèo, Chăm sóc Sức khỏe 2.0.
Theo AIA Việt Nam, sản phẩm Trọn vẹn cân bằng của AIA đang có quyền lợi bảo vệ trọn đời đến 100 tuổi, được tặng 25% khi mắc ung thư nghiêm trọng, nhận thêm % số tiền bảo hiểm tùy theo loại thương tật do tai nạn.... Tuy nhiên từ 1-7 sản phẩm mới chỉ còn quyền lợi bảo vệ trọn đời đến 100 tuổi và nhận 100% quyền lợi bảo hiểm khi tan tật toàn bộ và vĩnh viễn hoặc từ vong.

Sau ngày 1-7, các sản phẩm bổ trợ và liên kết sẽ không còn được bán kèm với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ
Theo ghi nhận, trước thời điểm 1-7-2025, nhiều đại lý đang khuyến nghị khách hàng ký hợp đồng sớm để kịp hưởng trọn gói các quyền lợi bổ trợ.
Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đối mặt với nhiều phản ánh tiêu cực từ phía khách hàng, việc không cho phép bán gộp sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bổ trợ được xem là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đây, việc các tư vấn viên cố tình cài cắm nhiều sản phẩm bổ trợ trong hợp đồng bảo hiểm chính đã dẫn đến tình trạng nhập nhèm thông tin, khiến người mua không nắm rõ mình đang đóng phí cho quyền lợi nào, mức chi trả ra sao, và trong điều kiện nào mới được thanh toán. Hệ quả là khi xảy ra rủi ro, không ít người rơi vào tình huống “mua bảo hiểm nhưng không được bảo hiểm”, từ đó mất lòng tin vào sản phẩm và doanh nghiệp.
Việc tách biệt rõ ràng từng sản phẩm bảo hiểm giúp khách hàng dễ hiểu, dễ kiểm soát và có thể chủ động lựa chọn theo nhu cầu thực tế, thay vì bị dẫn dắt theo các gói sản phẩm phức tạp. Đồng thời, điều này cũng góp phần hạn chế hành vi trục lợi của một bộ phận tư vấn viên chạy theo doanh số. Về phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý, việc này tạo điều kiện thuận lợi trong việc giám sát, xử lý khiếu nại và nâng cao trách nhiệm giải trình.
Ông Larry Trương, chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, cho rằng quy định mới về việc tách riêng sản phẩm bảo hiểm chính và sản phẩm bổ trợ là rất cần thiết. Theo ông, điều này giúp người tiêu dùng chủ động lựa chọn các quyền lợi phù hợp với nhu cầu và tài chính, thay vì bị buộc mua cả gói bảo hiểm với nhiều quyền lợi không cần thiết như trước.
Thực tế, nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ từng bị "gắn kèm" quyền lợi bổ trợ như nằm viện, bệnh hiểm nghèo… mà không phải khách hàng nào cũng có nhu cầu. Việc này khiến chi phí tăng mà hiệu quả bảo vệ không cao. Từ ngày 1-7, khách hàng có thể lựa chọn riêng từng quyền lợi bổ trợ và chỉ chi trả cho những gì thực sự cần thiết.
Ông Trương nhấn mạnh quy định mới sẽ buộc các doanh nghiệp nâng cao chất lượng tư vấn viên, đặc biệt về đạo đức nghề và chuyên môn, từ đó giúp thị trường bảo hiểm trở nên minh bạch hơn. Ông cũng khuyến nghị người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng, nắm rõ quyền lợi, lý do cần mua và giá trị thực tế của sản phẩm để bảo vệ tốt hơn cho bản thân, tránh rủi ro về sau.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-hiem-nhan-tho-het-thoi-tu-van-map-mo-196250523124425958.htm