Đòn bẩy chính sách giúp doanh nghiệp tự tin để bứt phá

Là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thông tin, nắm bắt những cơ hội mà Nghị quyết 68 mang lại để chuyển thành chiến lược đầu tư, kinh doanh hiệu quả; phát triển bền vững và đóng góp thực chất vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn phát biểu tại chương trình.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn phát biểu tại chương trình.

Nghị quyết 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) được ban hành với những đột phá cả về nhận thức, tư duy và chiến lược phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy giúp cộng đồng doanh nghiệp tự tin, bứt phá trong thời gian tới. Đây là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp tại Chương trình tọa đàm “Nghị quyết 68 - những đột phá giúp kinh tế tư nhân phát triển” do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 24/5.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn thông tin, Nghị quyết 68 được ban hành với quan điểm “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia”, đã tạo ra khí thế mới, tiếp thêm sự tự tin cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Đặc biệt, chính sách mới được triển khai trong bối cảnh cải cách bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, sẽ tạo nên sự cộng hưởng thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân. Là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thông tin, nắm bắt những cơ hội mà Nghị quyết 68 mang lại để chuyển thành chiến lược đầu tư, kinh doanh hiệu quả; phát triển bền vững và đóng góp thực chất vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha chia sẻ, xuất thân từ gia đình có truyền thống kinh doanh và hơn 20 năm chinh chiến trên thương trường, bản thân cảm nhận rất rõ sự thay đổi về cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội đối với hoạt động kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân. Nếu như trước đây, những người kinh doanh thường bị gán với những danh xưng không mấy thiện cảm như “con buôn”, “gian thương”, thì đến nay, doanh nhân đã được tôn vinh, khẳng định là đội ngũ tiên phong, là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Trong bối cảnh doanh nghiệp nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng, đang đối mặt nhiều thách thức về thị trường, về tiếp cận nguồn lực, việc Nghị quyết 68 nhấn mạnh xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; đánh giá đúng vai trò, vị trí của của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước... chính là động lực để doanh nhân tiếp tục sáng tạo và cống hiến.

Đại diện doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ thông tin tại chương trình.

Đại diện doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ thông tin tại chương trình.

“Đặt nhiều kỳ vọng, song doanh nghiệp cũng không khỏi trăn trở, liệu Nghị quyết 68 sẽ đi vào thực tiễn như thế nào? các cơ chế, chính sách đột phá có được triển khai một cách nhanh chóng, để tiếp sức kịp thời cho hàng triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua thách thức hiện tại hay không? Để nội dung Nghị quyết 68 được hiện thực hóa, cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía các cơ quan thực thi chính sách ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Bởi mong muốn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp là có được môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch để mạnh dạn mở rộng đầu tư lâu dài”, bà Lâm Thúy Ái nêu góc nhìn.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nam Thái Sơn, dẫn chứng, vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế đất nước đã được khẳng định, với rất nhiều con số ấn tượng. Nếu năm 1990, GDP Việt Nam mới chỉ ở mức 6,9 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 96 USD/người/năm; thì đến năm 2024, GDP cả nước đã lên hơn 476 tỷ USD, thu nhập bình quân đạt 4.700 USD/người/năm. Việt Nam từng là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới, đến nay đã vươn lên nhóm 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Trước khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (1990), kinh tế tư nhân đã âm thầm phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau như các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ. Sau đổi mới, làn sóng khởi nghiệp của thập niên 90 của thế kỷ 20 đã tạo ra lực lượng doanh nghiệp khá đông đảo, trong số đó nhiều doanh nghiệp đến nay đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành với quy mô tăng lên gấp nhiều lần.

Theo ông Trần Việt Anh, Nghị quyết 68 được ban hành và triển khai một cách quyết liệt đã tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Tập đoàn Vingroup đã chủ động đề xuất tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam, Tập đoàn Hòa Phát thành lập hẳn một doanh nghiệp chuyên cung ứng thép làm đường ray cho các dự án đường sắt,... cho thấy chỉ cần có cơ chế phù hợp, doanh nghiệp sẵn sàng để bứt phá.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, số lượng doanh nghiệp có sẵn nguồn lực để bung ra đầu tư không nhiều, phần lớn doanh nghiệp tư nhân ở nước ta vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp khác nhau như mở rộng không gian phát triển, thị trường tiêu thụ, đất đai và vốn cho sản xuất. Ngược lại, là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách, doanh nghiệp cũng phải thể hiện trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh và đóng góp cho cộng đồng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Vinh Huy, Sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí cho rằng, Nhà nước đã ban hành cơ chế, chính sách rõ ràng, doanh nghiệp cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng, chiến lược kinh doanh, điều chỉnh mô hình phù hợp định hướng của Nghị quyết 68, đặc biệt là yêu cầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tích hợp tiêu chuẩn ESG. Nâng cấp năng lực quản trị và tuân thủ pháp luật để đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi theo “Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân”. Bởi các ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nghiên cứu và phát triển (R&D) không mang tính tự động, mà đòi hỏi doanh nghiệp minh bạch tài chính, hoàn thiện hệ thống kiểm toán nội bộ và tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản liên quan. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường liên kết, tham gia chuỗi cung ứng và nền tảng chia sẻ dữ liệu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chủ động kết nối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI qua hội chợ, xúc tiến đầu tư và các hiệp hội ngành.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, phát biểu tại chương trình.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, phát biểu tại chương trình.

Nghị quyết 68 cũng giao nhiệm vụ rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc phản biện và giám sát chính sách. Góp ý qua hiệp hội ngành nghề, gửi báo cáo thực tiễn và kiến nghị sửa đổi các vướng mắc là cách doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong cải cách thể chế thay vì bị động “đợi hỗ trợ”.

“Việc đưa Nghị quyết 68 vào thực tiễn không thể tách rời vai trò chủ động của doanh nghiệp. Nếu mỗi doanh nghiệp xác định đây là cơ hội để tự chuyển mình, chuẩn hóa và kết nối, thì chúng ta không chỉ khai thác tốt chính sách ưu đãi, mà còn góp phần vào một hệ sinh thái kinh tế tư nhân mạnh mẽ, minh bạch, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, ông Nguyễn Vinh Huy nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Xuân Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/don-bay-chinh-sach-giup-doanh-nghiep-tu-tin-de-but-pha-20250524181730552.htm