Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Bài cuối – Kiến nghị hoàn thiện chính sách
Trên cơ sở rà soát đánh giá việc thực hiện chế độ Bảo hiểm TNLĐ, BNN, chuyên gia về an toàn vệ sinh lao động đã đưa ra các kiến nghị đề xuất để thực hiện tốt hơn các chế độ cho người lao động.
Ông Nguyễn Khánh Long, Cục An toàn Vệ sinh lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề xuất, rà soát, tách riêng nội dung chi mang tính chất khắc phục hậu quả quy định tại Điều 56 của Luật ATVSLĐ; rà soát, bổ sung một số hoạt động phòng ngừa cần thiết vào nội dung chi từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) như các hoạt động xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn, cải thiện điều kiện lao động, việc triển khai công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có bộ phận chuyên trách ATVSLĐ để gia tăng giá trị, ý nghĩa của các hoạt động bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).
Đồng thời, rà soát hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN theo hướng đơn giản, khả thi hơn, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thực hiện chính sách một cách dễ dàng tại Nghị định 88/2020/NĐ-CP. Đối với các hoạt động khoán chi được cần thực hiện cơ chế khoán chi, nên cân nhắc xem xét hỗ trợ cho người sử dụng là đối tượng chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm để đảm bảo sự đơn giản trong tổ chức thực hiện và phù hợp với chu kỳ đóng bảo hiểm theo đăng ký (hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm) và khai trình bảo hiểm trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký HĐLĐ.
"Việc quy định mức đóng bảo hiểm TNLĐ BNN theo mức chung hay theo ngành nghề đều có ưu, nhược điểm riêng", ông Nguyễn Khánh Long nêu vấn đề.
Mức đóng theo ngành, nghề có ưu điểm nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cùng ngành, nghề nhưng hạn chế chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp; và điều kiện cần để sẵn sàng triển khai là các doanh nghiệp phải đăng ký theo ngành, nghề và cơ quan quản lý nhà nước phải công bố được tần suất tai nạn, BNN theo nhóm ngành, nghề.
Mức đóng chung tăng cường chia sẻ rủi ro giữa các ngành, nghề, giảm sự phức tạp trong tính toán và dễ dàng trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, phù hợp trong điều kiện chưa theo dõi và công bố tần suất tính toán TNLĐ, BNN theo nhóm ngành, nghề.
Một số đề xuất khác như rà soát, cho phép các vụ TNLĐ xảy ra trước khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực, nhất là các TNLĐ giao thông do thực hiện theo quy định chung của Luật ATVSLĐ hoặc giao Chính phủ hướng dẫn để giải quyết các tồn đọng và đảm bảo sự linh hoạt. Xem xét giải quyết chế độ cho những người bị TNLĐ, BNN có tỷ lệ thương tật dưới 5% để đảm bảo sự ghi nhận liên tục trên hệ thống và thực hiện chế độ trong tương lai khi tỷ lệ thương tật tăng. Rà soát, cho phép hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho những người bị suy giảm khả năng lao động từ 21% là những trường hợp có tổn thương cũng khá nặng theo quy định xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể .
Nâng mức hưởng trợ cấp quy định tại Điều 48 và Điều 49 của Luật ATVSLĐ tính dựa trên nguyên tắc thiệt hại thu nhập kỳ vọng theo mức suy giảm khả năng lao động, mức lương thu nhập, độ tuổi của người lao động và khống chế mức trần. Nâng mức trợ cấp phục vụ hàng tháng bằng ít nhất mức lương tối thiểu vùng.
Rà soát Điều 45 Luật ATVSLĐ năm 2015 để chỉnh sửa phù hợp, mọi đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, bao gồm cả người SDLĐ khi bị TNLĐ, BNN đều được hưởng chế độ TNLĐ, BNN. Rà soát, bổ sung vào Điều 57 và 58 Luật ATVSLĐ quy định về hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với trường hợp chết người để thuận tiện trong việc áp dụng. Xem xét, cân nhắc thành phần hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ để xác định những trường hợp loại trừ không được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 45 và Điều 40 của Luật ATVSLĐ. Hay giao Bộ Y tế hướng dẫn hồ sơ, thủ tục xem xét, giám định BNN cho người lao động đã nghỉ hưu hoặc chuyển đổi vị trí công việc hoặc doanh nghiệp đã phá sản theo hướng đơn giản để hoàn thiện các hồ sơ hưởng chế độ BNN cho người lao động đã nghỉ hưu, chuyển việc hoặc tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của người SDLĐ đã giải thể./.