Bảo hiểm thất nghiệp - 'lưới đỡ' cho người lao động trong dịch COVID-19
Bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm ngắn hạn, có vai trò như 'lưới đỡ', giúp cho người lao động khi không có việc làm...
Người lao động cần đến bảo hiểm thất nghiệp
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 5 tháng đầu năm 2020 đã có trên 430.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 128% cùng kỳ năm 2019). Riêng trong tháng 5 đã có gần 160.000 người nộp hồ sơ (bằng 155% tháng 4.2020 và bằng 145% cùng kỳ 2019).
Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia cho biết, nếu tình hình dịch tễ chỉ đi ngang (không xấu, không tốt) thì mỗi tháng vẫn sẽ có 80.000-90.000 lao động mất việc, khoảng 80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và sẽ có 5-5,6 triệu lao động bị ngừng việc. Trường hợp tình hình dịch tễ xấu đi, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số mất việc hằng tháng 90.000-100.000 người, 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và số lao động bị ngừng việc lên tới 6-7,2 triệu người.
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết trong đầu năm nay, qua quan sát từ thị trường lao động và số liệu về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy thời điểm cao điểm nhất người lao động đến với Trung tâm đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tháng 4 và tháng 5. Đây là 2 tháng người lao động đến đông hơn so với giai đoạn trước và cùng kỳ.
Ông Tạ Văn nhận định: "Xét về thị trường lao động, hai yếu tố cung- cầu rất quan trọng. Cung cầu gặp nhau có tín hiệu kết nối tốt tạo thị trường lao động sôi động. Bản thân thị trường lao động là thị trường sống, luôn luôn có vị trí việc làm mới và việc làm triệt tiêu đi. Tôi có cái nhìn khá lạc quan về thị trường lao động trong thời gian tới. Các chuyên gia nói rằng trong thời gian dịch bệnh COVID-19 chứa đựng các yếu tố đẩy nhanh, kích thích hoạt động 4.0 như thương mại điện tử, trực tuyến… Giới kinh doanh sử dụng lao động tìm thấy rất nhiều công việc. Nếu như tiếp tục diễn biến bằng chính sách tốt trong bối cảnh dịch bệnh được khống chế cuối năm tạo thị trường hoàn chỉnh hơn".
Vận dụng nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp một các có ích
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết khi xảy ra dịch COVID-19, lao động đối mặt với thiếu việc làm và thất nghiệp. Quan điểm của Thủ tướng là không đánh đổi sức khỏe người lao động lấy kinh tế. Bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm ngắn hạn có vai trò như "lưới đỡ", giúp cho người lao động khi không có việc làm có hai con đường là học nghề, tiếp tục được hỗ trợ học nghề.
"Không nên nghĩ nhận bảo hiểm thất nghiệp để sử dụng trong cuộc sống, mà phải nghĩ đến đào tạo để chuyển đổi sang lĩnh vực, doanh nghiệp khác làm việc. Người lao động cũng cần hết sức chú ý là khi rời khỏi doanh nghiệp, có thể là tức thời không giữ lại chân để quay trở lại làm việc thì sẽ có một tác hại là có thể người lao động tìm kiếm được công việc ở một chỗ mới, nhưng sẽ không bền vững.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch nên không thể học vào lúc này được. Cho nên biện pháp quan trọng nhất là các doanh nghiệp khó khăn phải giải quyết bảo hiểm thất nghiệp. Tôi đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan xã hội, trung tâm giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động rất kịp thời. Đây là nguồn động lực để người lao động đảm bảo ổn định gia đình khi chưa tìm kiếm được việc làm mới", ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.
Theo đó, người lao động cần hết sức lưu ý tạm thời nghỉ 1-2 tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc đi học nghề để giữ chân ở doanh nghiệp đang làm lâu nay sẽ tốt hơn là đi tìm kiếm việc làm ở một nơi khác.
Về vấn đề này, ông Thảo cho biết: Đối với những người đã mất việc làm, chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng này theo điều 42 của Luật Việc làm, trong đó có 4 chế độ hỗ trợ người lao động: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, người lao động mất việc được giới thiệu việc làm miễn phí, từ đó chọn được những việc làm tốt, không phải mất phí giới thiệu.
Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, Theo quy định của luật, khi người lao động bị thất nghiệp thì dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại nghề. Hiện nay, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang có 80.000 tỉ đồng đang kết dư. 9 - 10 năm nay vẫn chưa sử dụng nguồn quỹ này để đào tạo người lao động tại doanh nghiệp. Vì vậy cần phải cố gắng để làm sao chuyển nguồn kinh phí này giao cho các doanh nghiệp đào tạo đi trước, đón đầu, đào tạo lại, đào tạo người thất nghiệp để họ giữ lấy thị trường lao động, quay lại thị trường lao động.
“Chúng ta cần khuyến khích nên dùng gói này để đào tạo nghề tốt hơn, còn hơn để người lao động dùng món tiền này tiêu xài cho cuộc sống. Quan trọng nhất là có thể nâng cao tay nghề của người lao động. Nếu người lao động nhận quỹ này thì học có thể đào tạo người thất nghiệp, có nguy cơ thất nghiệp và lao động mới bổ sung vào doanh nghiệp, chứ không chỉ chăm chăm đào tạo lao động thất nghiệp.”, ông Lợi nhấn mạnh.