Bảo hiểm tín dụng thương mại mở đường cho đầu tư xanh trong ngành nhựa
Ngành nhựa Việt Nam đang ở ngã ba đường khi đối mặt với nhu cầu cấp thiết hướng tới các hoạt động chuyển đổi bền vững. Tuy nhiên, việc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường là chưa đủ, các công ty cần cải thiện báo cáo tài chính để thu hút đầu tư.
Sự cấp thiết cho tài chính xanh
Để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn ngày càng cao do thị trường nhập khẩu đặt ra, ngành nhựa Việt Nam cần phải quan tâm hơn tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng để đáp ứng và thu hút tài chính xanh.
Tại Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam 2023 diễn ra gần đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng cảnh báo “Chúng ta bắt buộc phải lựa chọn và áp dụng mô hình tăng trưởng mới – đó là kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Nếu chúng ta không thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, thì chúng ta sẽ không thể đẩy mạnh xuất khẩu”.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Một số báo cáo về phát triển bền vững khác cũng cho rằng, ESG đang là xu hướng bắt buộc, nếu doanh nghiệp không theo xu hướng này, thì họ không thể cải thiện sức cạnh tranh được, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp trên thế giới đang chuyển đổi tư duy từ ‘nâu’ sang ‘xanh’”.
Để thúc đẩy hơn nữa tính bền vững, chính phủ Việt Nam đã công bố triển khai Phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với các nhóm nhựa đóng gói bắt đầu từ năm 2024. Động thái chiến lược này nhằm tăng cường nỗ lực tái chế và giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Mặc dù quy định này thúc đẩy các hoạt động thân thiện với môi trường nhưng lại đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), hiện nay mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp ngành nhựa còn hạn chế. Cụ thể, chỉ có 50,56% doanh nghiệp nộp lại báo cáo, trong đó tỷ lệ đạt định mức tiêu hao năng lượng là 37,99%, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng là 22,47%.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký VPA, cho rằng, điều này đến từ việc doanh nghiệp thiếu thông tin hoặc không biết đến thông tư về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa.
Nỗ lực chuyển đổi xanh
Trước nhu cầu cấp bách của việc chuyển đổi, các công ty nhựa muốn trụ vững trên thị trường càng thêm chú trọng chuyển đổi xanh như một phương tiện để thu hút đầu tư.
Các công ty như Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân đã chủ động thực hiện các bước hướng tới sự bền vững, bao gồm việc đưa dòng chữ “Xin hãy tái chế cho tôi” trên bao bì của họ.
Tại Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam 2023, ông Lê Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân, cho biết: “Chúng tôi đã phải hợp tác với các định chế tài chính với các khoản vay xanh. Các khoản vay xanh này được áp dụng để giải quyết việc mở thư tín dụng để nhập khẩu máy móc”.
Giống như Công ty Nhựa Duy Tân, mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay là thu hút đầu tư xanh và khoản vay xanh từ các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại chưa đáp ứng đủ điều kiện để thu hút tài chính xanh.
Một nghịch lý là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và tổ chức tài chính sẵn sàng cung cấp các khoản vay cho các dự án xanh, nhưng các doanh nghiệp không thể tiếp cận các nguồn lực này. Ông Vũ Chí Công, Giám đốc, Trưởng bộ phận ESG thuộc tập đoàn VinaCapital, cho biết, hiện nay thì nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư, cũng như các tổ chức tài chính sẵn sàng cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp để thực hiện các dự án xanh. “Tuy nguồn vốn xanh hiện đang rất dư dả, mà không thể đầu tư được".
Ông Công nêu ra một trong những lý do khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn xanh. “Doanh nghiệp muốn vay vốn, nhưng họ lại không có dữ liệu rõ ràng, trong khi dữ liệu lại là cái mà nhà đầu tư rất cần. Doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy kinh doanh và phải đưa ra những thông tin minh bạch và các dự án khả thi cho nhà đầu tư với các yếu tố ESG đi kèm. Nếu họ làm được thì đây là cơ hội rất tốt để họ có thể thu hút vốn”, ông Công gợi ý.
Trong bối cảnh này, bảo hiểm tín dụng thương mại (TCI) nổi lên như một nhân tố then chốt đảm bảo ổn định tài chính hiện tại và tăng sức hấp dẫn cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Theo các chuyên gia, TCI đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giải pháp đôi bên cùng có lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp bằng cách cung cấp an ninh tài chính, giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ bền vững trong suốt các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng.
Nói cách khác, TCI có thể nâng cao uy tín tín dụng của doanh nghiệp và giúp việc tiếp cận nguồn tài chính trở nên dễ dàng hơn, bao gồm cả các tín dụng xanh.
Về bản chất, TCI hoạt động như một chiếc phao bảo hộ khi các giao dịch liên quan đến tín dụng hoặc thanh toán trả chậm. TCI giải quyết rủi ro khách hàng không trả được nợ, đảm bảo dòng tiền ổn định cho người bán và duy trì lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Các công ty bảo hiểm tín dụng thương mại như Atradius - Công ty bảo hiểm tín dụng thương mại hàng đầu thế giới có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) là chuyên gia đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự hấp dẫn của nhà đầu tư bằng cách giảm rủi ro nợ thương mại và thúc đẩy ổn định tài chính.
Hành trình hướng tới chuyển đổi xanh trong ngành nhựa Việt Nam không phải bằng phẳng mà là một mạng lưới phức tạp gồm nhiều yếu tố liên kết với nhau. Bằng cách áp dụng các biện pháp bền vững, tận dụng TCI, tận dụng nguồn tín dụng xanh và hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ, ngành này có thể chuyển đổi sang một tương lai thịnh vượng hơn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tái khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.