Bảo hiểm trong trường hợp thiệt hại do lỗi của người vận chuyển
* Bạn đọc hỏi: ông Phan Văn Chánh, Giám đốc một Cty cổ phần tại TP Đà Nẵng, hỏi: Liên quan đến vấn đề trách nhiệm bảo hiểm (BH) của Cty BH, trước đây, Cty của tôi đã có ít nhất 1 lần bị Cty BH từ chối BH tổn thất hàng hóa vì tai nạn xảy ra do lỗi của người vận chuyển.
* Bạn đọc hỏi: ông Phan Văn Chánh, Giám đốc một Cty cổ phần tại TP Đà Nẵng, hỏi: Liên quan đến vấn đề trách nhiệm bảo hiểm (BH) của Cty BH, trước đây, Cty của tôi đã có ít nhất 1 lần bị Cty BH từ chối BH tổn thất hàng hóa vì tai nạn xảy ra do lỗi của người vận chuyển. Hiện tại, chúng tôi cũng thường xuyên mua BH cho hàng hóa trên đường vận chuyển nhưng vẫn luôn lo lắng rằng khi có sự cố xảy ra thì Cty BH có từ chối bảo hiểm hay không. Do vậy, tôi mong chuyên mục tư vấn giúp tôi rằng: nếu thiệt hại cho hàng hóa trên đường vận chuyển do lỗi của người vận chuyển thì Cty BH có trách nhiệm bồi thường không?
* Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Một nguyên tắc cơ bản trong việc đánh giá thiệt hại nào đó xảy ra có thuộc trường hợp được BH hay không là cần phải xem điều khoản loại trừ trong chính hợp đồng BH và quy tắc BH liên quan. Vì ông Chánh không nêu rõ ông đang giao dịch BH với công ty BH nào và các điều khoản loại trừ ra sao nên tôi trả lời chung như sau: theo kinh nghiệm của tôi thì, hầu như không có công ty BH nào quy định một cách chung chung điều khoản loại trừ trách nhiệm BH do lỗi của bên vận chuyển. Bởi lỗi của bên vận chuyển cũng là một rủi ro mà người mua BH không thể biết trước được. Nếu Cty BH đưa vào điều khoản loại trừ này thì sẽ không có ai dám mua BH. Theo tìm hiểu của tôi thì Quy tắc BH hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam của các doanh nghiệp BH cũng không quy định người BH được loại trừ BH trong trường hợp này. Và các văn bản pháp luật hiện hành cũng không có quy định cụ thể trường hợp công ty BH được quyền loại trừ trách nhiệm bồi thường khi tổn thất hàng hóa xảy ra do có lỗi của bên vận chuyển.
Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 16 Luật Kinh doanh BH thì Cty BH không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm BH trong trường hợp người mua mua BH vi phạm pháp luật do vô ý; và, theo Quy tắc BH hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam của một số Cty BH thì chỉ loại trừ trách nhiệm BH đối với thiệt hại xảy ra do hành động xấu, cố ý hay hành vi phạm pháp của người được BH hoặc người làm công cho họ. Từ những viện dẫn trên, có thể khẳng định rằng, Cty BH chỉ có quyền loại trừ trách nhiệm BH khi tổn thất hàng hóa xảy ra do lỗi cố ý của chính chủ hàng hoặc người làm công cho họ. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ tranh chấp với Cty BH về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm BH, ông Chánh nên gửi văn bản cho Cty BH để yêu cầu giải thích rõ bằng văn bản tất cả các điều khoản, từ, cụm từ mà ông cho rằng chưa hiểu hoặc khó hiểu bởi một khi có sự kiện BH xảy ra thì chính sự "lập lờ" trong câu từ của hợp đồng, quy tắc BH là lý do để Cty BH từ chối trách nhiệm BH.