Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội
Ngày 15-2, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); đề ra các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TƯ và nhiệm vụ công tác năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại hội nghị.
Tính đến cuối năm 2019, cả nước có gần 86 triệu người tham gia BHYT (đạt 90% dân số); 15,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 574 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT, toàn ngành bảo hiểm đã giải quyết cho hơn 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 3,2 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Bình quân mỗi năm, có hơn 113,2 triệu lượt người đảm bảo quyền lợi khi tham gia khám chữa bệnh BHYT.
Số thu BHXH tự nguyện tăng từ 11 tỷ đồng năm 2008 lên hơn 2,3 ngàn tỷ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp tăng từ hơn 3,5 ngàn tỷ đồng năm 2009 lên gần hơn 17,4 ngàn tỷ đồng; thu BHYT tăng từ hơn 2,1 ngàn tỷ đồng năm 2004 lên hơn 104,8 ngàn tỷ đồng.Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, BHXH, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Hệ thống chính sách BHXH, BHYT trải qua nhiều giai đoạn ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thể hiện rõ nét trong các nghị quyết đại hội Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương.
Trong 25 năm hình thành và phát triển, BHXH Việt Nam đã đóng một vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.
“Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tố quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân chúng ta. Đây là việc của toàn xã hội, chứ riêng ngành BHXH không thể làm được” - Thủ tướng Chính phủ nói.
Thủ tướng cũng đề xuất với ngành BHXH 5 nhóm giải pháp chính. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, thống nhất, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia. Xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực công tác theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dân theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp…
Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho BHXH Việt Nam; trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh.