Bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tăng trưởng ấn tượng

Chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số. Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng vượt chỉ tiêu Nghị quyết 28.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2020, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu, thu nợ, chi trả chính sách... Đặc biệt, việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đạt tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 24/12.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,1 triệu người, tăng 494.000 người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao). Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong năm 2021, ngành bảo hiểm xã hội thực thi nhiệm vụ, gắn chặt với phương châm hành động: “Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Về hoàn thiện chính sách pháp luật, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, mục tiêu ngành phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28); số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28); số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ khoảng 91,56% dân số.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh phải thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, trách nhiệm"; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ người tham gia và hưởng chính sách, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được trong năm 2020, cũng như giai đoạn 5 năm vừa qua.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Bảo Việt Nam là chỉ số bao phủ bảo hiểm y tế, đến nay cả nước đã có hơn 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Kết quả này được ghi nhận không chỉ ở trong nước, mà còn được cộng động quốc tế đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ nỗ lực cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã mang lại kết quả hết sức cụ thể, không chỉ phục vụ công tác của ngành, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thông tin quản trị của quốc gia. Minh chứng rõ nhất là kho dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế là cơ sở để thúc đẩy cấp thẻ căn cước công dân. Do đó, có thể nói, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội đã góp phần rất lớn để tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cả đất nước.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại như số người tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với nhóm đối tượng tiềm năng. Công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế chưa thực sự hiệu quả, còn một số vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, chưa bảo đảm tính bền vững. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, Phó Thủ tướng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; có cơ chế linh hoạt xây dựng và thực thi chính sách, từng bước tiếp cận để người dân thấy rõ lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu hình thành thói quen tham gia bảo hiểm xã hội.

“Chúng ta đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, thì sẽ đạt được bảo hiểm xã hội toàn dân, chỉ có như vậy mới đảm bảo an sinh xã hội bền vững,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/co-toi-gan-91-dan-so-viet-nam-tham-gia-bao-hiem-y-te/686052.vnp