Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh, nhưng vẫn còn nhiều dư địa
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có vai trò lớn trong việc giúp người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc.
Ý nghĩa nhân văn
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập.
Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 570.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 121% kế hoạch. Đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 đến năm 2018. Cụ thể, năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia, đến hết năm 2018, con số này là 270.000 người.
Dù số người tham gia tăng nhanh, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng 30 triệu người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội.
Đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành BHXH đang tích cực triển khai các giải pháp đột phá để thực hiện cải cách chính sách BHXH. Trong đó, từng bước phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Đồng thời, thực hiện tốt chế độ BXHH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH kịp thời, đầy đủ đến người tham gia; đơn giản hóa quy trình, thủ tục tham gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tiếp cận dịch vụ BHXH qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, ngân hàng...
Gần đây nhất, BHXH Việt Nam và Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ ra quân trực tuyến hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. BHXH Việt Nam và Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện trong và sau lễ ra quân tối thiểu 50 người/huyện; góp phần hoàn thành 50% chỉ tiêu kế hoạch phát triển BHXH tự nguyện năm 2020 trong 6 tháng đầu năm.
Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm.
6 cách đóng BHXH tự nguyện
Theo Khoản 4, Điều 2 - Luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 chế độ: Hưu trí và tử tuất. Với các chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc.
Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 - Nghị định số 134/2015/NĐ-CP thì người tham gia BHXH tự nguyện được chọn 1 trong 6 phương thức đóng như sau để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người tham gia có thể đóng hàng tháng, mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Người tham gia có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần, đóng 1 lần cho nhiều năm, nhưng không quá 5 năm một lần. Trường hợp đóng 1 lần cho nhiều năm, mức đóng được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân tháng, do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Cách thứ 6 là người tham gia đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Mức đóng tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân tháng, do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Trong trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng từ 3 tháng trở lên, nhưng thời gian sau đó dừng tham gia BHXH tự nguyện và chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc, hưởng BHXH một lần hay tử vong, hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó.
Số tiền hoàn trả cho người tham gia BHXH tự nguyện hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).
Để đăng ký tham gia, người tham gia BHXH tự nguyện lập, kê khai và nộp hồ sơ, nộp tiền cho đại lý thu hoặc cho BHXH cấp huyện nơi cư trú theo mức đóng và phương thức đóng đã đăng ký, nhận biên lai thu tiền đóng BHXH từ đại lý thu hoặc cơ quan BHXH và nhận hồ sơ trong thời hạn 5 ngày, nhận thông báo mã số BHXH, kết quả đóng BHXH từ cơ quan BHXH hoặc tại đại lý thu…