Báo hiếu!

Sau giờ tan sở, tôi chạy xe vòng quanh vài con hẻm nhỏ trong lòng thành phố biển. Dọc hai bên con hẻm đó là nhà dân ở san sát. Chiều tối đến, nhà nhà quây quần bên nhau, nhiều hộ có đến ba thế hệ sinh sống. Tôi nhìn sang một ngôi nhà nhỏ, 1 cụ bà đang ngồi xe lăn trước hiên nhà. Con trai, con dâu và 2 đứa cháu nội đang đứng bên cạnh, người bóp vai, người đút cơm, chuyện trò rôm rả…

Báo hiếu

Bất chợt tôi nghĩ thầm: Cụ bà thật hạnh phúc khi ở tuổi xế chiều được con cháu chăm sóc tận tình, sống giữa tình yêu thương của gia đình. Chứng kiến hình ảnh gia đình hạnh phúc, bình dị như vậy, tôi bỗng nhớ đến mẹ ở quê nhà cũng đang ngày đêm chăm sóc bà ngoại nằm liệt giường mấy năm nay.

Bà ngoại tôi đã 90 tuổi, không còn minh mẫn, lại bị gãy chân nằm một chỗ. Những sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của bà đều do mẹ tôi lo liệu. Có nhiều đêm mẹ phải thức trắng để chăm sóc bà. Nhìn mẹ vất vả, gầy mòn vì thiếu ngủ, tôi cảm thấy xót xa. Nhưng mẹ lại mỉm cười không chút muộn phiền, dặn dò: Sau này con sẽ hiểu, vì chỉ cần còn mẹ là điều hạnh phúc, ấm áp nhất. Hơn hết, những ai còn mẹ là vẫn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo.

“Công cha như núi Thái Sơn- Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Bởi vậy, việc chăm sóc cha mẹ lúc về già, bệnh đau chỉ là một phần rất nhỏ bé để báo hiếu người có công sinh thành, dưỡng dục ta nên người. Những lời dạy của mẹ, tôi hiểu và khắc ghi! Bởi đó là đạo lý làm người, là bổn phận của con cái với đấng sinh thành. Tiếc rằng, đâu đó trong xã hội này vẫn còn không ít kẻ bất hiếu, đối xử tệ bạc với cha mẹ, khiến cha mẹ đau khổ, phiền lòng…

Hình ảnh gia đình ba thế hệ trong con hẻm nhỏ với nụ cười hạnh phúc cứ lưu mãi trong trí nhớ tôi. Chạy xe thật nhanh về nhà, việc đầu tiên của tôi là gọi điện hỏi thăm cha mẹ. Ở xa quê, chỉ cần thấy cha mẹ bình an, khỏe mạnh đã là hạnh phúc!

Trung Lương

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/bao-hieu-136372.html