Bảo hộ công dân Việt Nam ở Ukraine: Từ chiến dịch sơ tán xuyên biên giới đến chuyến bay trở về Tổ quốc
Tiễn chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam di tản từ Ukraine về nước, Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong chia sẻ cảm xúc vừa mừng vừa lo. Mừng cho bà con vừa lên chuyến bay về nước sau chặng đường dài di tản từ Ukraine sang, lo cho bà con còn ở lại chờ đợi chuyến bay tiếp theo...
Romania là một trong những nước có công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang rất đông. Được biết Đại sứ quán tại Romania đã tổ chức chiến dịch hộ tống đồng bào từ Ukraine lánh nạn tại Cộng hòa Moldova về thủ đô Bucharest thành công. Chiến dịch sơ tán công dân "xuyên biên giới" này đã được Đại sứ quán triển khai như thế nào?
Ngay khi xung đột xảy ra tại Ukraine, dự báo có dòng người di tản sang Romania, Đại sứ quán đã lên phương án bảo hộ công dân và phối hợp với cộng đồng người Việt tại Romania tổ chức đón tiếp, bố trí chỗ ăn ở tạm thời cho bà con di tản tại các gia đình người Việt.
Những ngày đầu, mới chỉ có một số kiều bào ta tại Ukraine di tản sang Romania.
Ngày 3/3, sau khi nhận được tin có một nhóm người Việt đã đến một trung tâm tiếp nhận người di tản ở thủ đô Chișinău của Moldova để chuẩn bị sang Romania, tôi cùng hai cán bộ Đại sứ quán và một đại diện Hội người Việt tại Romania đã lên đường sang Moldova bắt đầu chiến dịch chưa từng có.
Tại Moldova, chúng tôi gặp gỡ bà con tản cư, nắm tâm tư nguyện vọng và tổ chức đưa bà con sang Romania, trước khi đề xuất các chuyến bay đưa bà con về Việt Nam.
Nắm được tình hình số lượng công dân Việt Nam có khoảng gần 400 người đang ở hai địa điểm tị nạn tại Cộng hòa Moldova cách nhau 40 km, đoàn công tác trực tiếp tháo gỡ những khó khăn về mặt thủ tục để "mở đường", và hộ tống đưa bà con về Romania.
Sau khoảng 13 tiếng đồng hồ di chuyển và làm các thủ tục xuất nhập cảnh, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của phía bạn, đoàn xe đã về tới thủ đô Bucharest của Romania an toàn.
Những ngày tiếp theo, lần lượt các nhóm người Việt di tản khác với số lượng khác nhau đã tới Romania. Tính tới tối 7/3 theo giờ địa phương, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã ghi nhận khoảng 830 kiều bào ta di tản từ Ukraine sang Romania. Và con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.
Với số lượng lớn công dân Việt Nam lánh nạn tới Romania như vậy, việc thu xếp chỗ ăn ở tạm thời để bà con chờ chuyến bay về nước hẳn không phải chuyện dễ dàng?
Đúng vậy, số lượng người di tản ngày càng nhiều kéo theo số lượng công việc phải giải quyết ngày càng tăng. Trong khi đó nguồn lực cán bộ, nhân viên Đại sứ quán rất mỏng (Đại sứ quán tại Romania chỉ có 6 cán bộ, nhân viên), số người Việt sở tại cũng không quá nhiều nên việc đón tiếp, bố trí nơi ăn ở và hỗ trợ điều kiện cần thiết cho bà con là một thách thức lớn.
Rất may mắn là Đại sứ quán nhận được sự hỗ trợ tích cực, phối hợp chặt chẽ từ các hội đoàn trong cộng đồng người Việt để tổ chức đón tiếp, bố trí phương tiện di chuyển, liên hệ chính quyền địa phương cung cấp chỗ ở và đồ ăn cho công dân Việt Nam.
Những ngày đầu tiên, số lượng người di tản còn ít nên có thể bố trí cho bà con ở tạm trong một số gia đình cộng đồng. Tuy nhiên, từ sau ngày 3/3, số lượng kiều bào sơ tán ngày càng nhiều, vượt quá khả năng hỗ trợ trực tiếp của cộng đồng người Việt tại Romania.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã nhanh chóng liên hệ chính quyền sở tại hỗ trợ nơi tạm trú cho kiều bào, mặc dù phía bạn cũng đã trong tình trạng sắp quá tải do có quá nhiều người Ukraine sơ tán sang Bucharest.
Tuy nhiên, chính quyền sở tại quy định chỉ hỗ trợ nơi ở và cung cấp thực phẩm, y tế cho người di tản trong vòng 48 giờ đầu, sau đó các Cơ quan đại diện phải tự lo nơi ăn ở cho người di tản.
Trước tình hình như vậy, Đại sứ quán đã đề nghị chính quyền sở tại tạo điều kiện để công dân Việt Nam tiếp tục ở lại Romania tới khi các chuyến bay đưa công dân ta về nước.
Đồng thời, Đại sứ quán cũng phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn, cử các tình nguyện viên trong cộng đồng trực 24/24 giờ tại nhà ga trung tâm, và bố trí xe đưa đón liên tục người di tản đến các cơ sở tạm trú.
Trong lúc khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái của người Việt Nam đã phát huy ra sao, thưa Đại sứ?
Cộng đồng người Việt tại Romania không lớn, chỉ có khoảng 200 gia đình với chưa đầy 1.000 nhân khẩu định cư tại đây, cùng với số sinh viên, nghiên cứu sinh và lao động người Việt đang học tập, làm việc tại địa bàn.
Tuy nhiên, cộng đồng luôn đoàn kết gắn bó và đã hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả cho đồng bào di tản cũng như cho công việc của Đại sứ quán.
Không chỉ động viên, chia sẻ về mặt tinh thần và đưa ra những chỉ dẫn tận tình nhằm giúp bà con ổn định tâm lý, các hội đoàn và mỗi cá nhân trong cộng đồng còn trực tiếp hỗ trợ về mặt vật chất cho bà con như cung cấp các suất ăn miễn phí, cung cấp chăn, đệm và một số vật dụng cần thiết cho bà con tại nơi tạm trú.
Dù rất bận rộn trong công việc hàng ngày, nhưng các thành viên trong cộng đồng đều tranh thủ tối đa thời gian, không kể sớm khuya, mệt nhọc, ai cũng hăng hái, nỗ lực hỗ trợ đồng bào di tản.
Tôi vô cùng cảm động trước tình đồng bào của cộng đồng người Việt tại Romania. Chính thời điểm khó khăn này mới thấy hết được tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng người Việt cũng như giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.
Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các hội đoàn và bà con cộng đồng người Việt tại Romania.
Ngày 7/3, chuyến bay mang số hiệu VN88 đã khởi hành từ thủ đô Bucharest đưa 283 công dân Việt Nam di tản từ Ukraine về nước. Quá trình chuẩn bị cho đến khi máy bay thuận lợi cất cánh hẳn vô cùng gấp rút, khẩn trương?
Việc tổ chức chuyến bay sơ tán bà con di tản từ Ukraine về Việt Nam vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với Đại sứ quán Việt Nam tại Romania nói chung và bản thân tôi nói riêng.
Trên cơ sở đó, tôi đã tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán cũng như từng thành viên trong nhóm hỗ trợ trong cộng đồng.
"Được Đảng và Nhà nước quan tâm giúp đỡ, cho chuyến bay đón bà con về nước lánh nạn, chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi xin cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều". (Ông Phùng Văn Sửu - người Việt sơ tán từ Ukraine, một trong 287 hành khách trên chuyến bay không thu phí số hiệu VN88 của Vietnam Airlines khởi hành về nước ngày 7/3)
Thời gian này, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán chúng tôi làm việc hết công suất, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm với công việc và với cộng đồng, bố trí trực 24/24 giờ để vừa tiếp nhận các yêu cầu đón tiếp, giải quyết các giấy tờ liên quan, hỗ trợ bà con tại điểm tạm trú; vừa thu xếp, hỗ trợ thủ tục cho bà con về nước trên các chuyến bay hồi hương không thu phí.
Trong quá trình này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như nhiều bà con không đủ hoặc mất giấy tờ cá nhân, gây khó cho việc tiến hành các thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh. Đối với các trường hợp này, Đại sứ quán phải xem xét, đề xuất các cơ quan trong nước giải quyết, cấp lại giấy tờ.
Trong khi đó, việc lập danh sách người có nguyện vọng về nước trên các chuyến bay hồi hương cũng vô cùng áp lực, vì số lượng người đăng ký lớn và phải qua nhiều khâu xét duyệt.
Với tinh thần không để lãng phí dù chỉ một ghế trên máy bay, Đại sứ quán đã triển khai lập danh sách cụ thể và rà soát kỹ lưỡng tất cả những bà con có nguyện vọng về Việt Nam. Ngoài danh sách chính thức, chúng tôi còn lập thêm một danh sách dự bị gồm 15 người để có thể thay thế những trường hợp không thể lên máy bay vào phút chót bởi những lý do bất khả kháng.
Tiễn chuyến bay đầu tiên đưa bà con di tản từ Ukraine hồi hương, Đại sứ hãy cho biết cảm xúc của mình lúc này?
Cảm xúc của tôi lẫn lộn vừa mừng vừa lo. Mừng cho bà con vừa lên chuyến bay về nước, lo cho bà con còn ở lại chờ đợi chuyến bay tiếp theo.
Vào lúc 11h30 ngày 8/3, chuyến bay số hiệu VN88 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa 287 công dân, trong đó có 14 trẻ em dưới 2 tuổi và một số công dân có bệnh nền từ Bucharest (Romania) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đây là chuyến bay sơ tán nhân đạo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, được tổ chức miễn phí để đón bà con trở về.
Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực khẩn trương, thu xếp chuẩn bị cho những chuyến bay sơ tán công dân tiếp theo và sẵn sàng đón thêm người Việt di tản sang Romania.
Những ngày tới, áp lực có thể sẽ lớn hơn vì dòng người di tản sang Romania có thể tiếp tục tăng, nhưng Đại sứ quán và cộng đồng người Việt rất sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn, mất mát của bà con, và sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình để có thể hỗ trợ bà con sớm trở về quê hương an toàn theo nguyện vọng.
Xin cảm ơn Đại sứ!
"Tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư là không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương. Chính vì vậy, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh." - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.