Bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn nhiều thách thức
Sáng 24.3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, kể từ khi nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới vào năm 1986, thì chúng ta đã tiến hành đổi mới một cách toàn diện và đã đạt được rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên, qua thực tiễn rõ ràng, chúng ta thấy đang phải đối mặt rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Một số thách thức có thể đã được nhận diện trong thời gian vừa qua. Ví dụ như mô hình phát triển. Nguy cơ về bẫy thu nhập trung bình hay già hóa dân số và đặc biệt là những thách thức mà hiện nay chúng ta đang phải đối mặt liên quan đến dịch Covid-19,... Do đó, chúng ta cần các giải pháp căn cơ để vượt qua những thánh thức, đồng thời tận dụng được những cơ hội để phát triển trong bối cảnh mới.
“Chủ trương mở cửa, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập niên qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoàn thành các khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Chúng ta thấy rất rõ các cột mộc nổi bật như: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ được ký kết vào năm 2000, hay Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, năm 2007,… đều ghi nhận những cố gắng của Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, xét về tính hiệu quả của việc thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, Trưởng ban Ban nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) Nguyễn Anh Dương chỉ ra, cơ chế xử lý tranh chấp về sở hữu tranh chấp về sở hữu trí tuệ chưa hiệu quả (dân sự, tòa án,…), một phần vì chưa vận dụng các nền tảng cho xử lý tranh chấp. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số, chia sẻ dữ liệu quản lý về sở hữu trí tuệ còn chưa đạt yêu cầu; Cách tiếp cận hoàn thiện về pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa chủ động, chưa có sự chuẩn bị sớm…
Các chuyên gia nêu rõ, trong những năm qua, các thảo luận chính sách đã tập trung nhiều hơn vào rủi ro “bẫy thu nhập trung bình” của Việt Nam. Để xử lý hữu hiệu rủi ro này, một định hướng quan trọng là thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất và hiệu quả nguồn lực trong kinh tế. Định hướng này càng trở nên cấp bách trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang chuyển biến nhanh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số.
Theo đó, vai trò của nâng cao năng lực khoa học, công nghệ nói chung và năng lực nghiên cứu nói riêng ngày càng được đề cao. Các giải pháp cả về phía cầu và phía cung đều đã được cân nhắc, triển khai và cập nhật nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Trong đó, bảo hộ sở hữu trí tuệ được coi là một trụ cột quan trọng nhằm phát huy quyền tài sản từ hoạt động nghiên cứu, cũng như đóng góp hoàn thiện khung pháp lý cho việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học - công nghệ.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến động của các chuỗi cung ướng toàn cầu những năm gần đây càng đòi hỏi phải liên kết hiệu quả và quản trị rủi ro giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng. Vì vậy, để bảo đảm niềm tin và cơ sở để xử lý các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ là những điều kiện cần thiết, bên cạnh các yếu tố khác. Ngay cả hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng đã ứng dụng nhiều hơn các thành tựu của công nghệ số, chẳng hạn như công nghệ chuỗi khối (blockchain),… Trong bối cảnh ấy, Việt Nam vẫn cần thêm những cải cách cả trực tiếp và bổ trợ cho hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ.
“Để bảo đảm tính hiệu quả và tính đầy đủ trong bảo hộ sở hữu trí tuệ Trưởng ban Ban nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) Nguyễn Anh Dương kiến nghị, cải thiện chất lượng của hệ thống sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hướng tới hiệu lực, tăng cường thực hịen cơ chế tư pháp đối với quan hệ dân sự về sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh cải cách hành chính,..; Cần thu hẹp phạm vi xâm phạm quyền sở sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính,..
“Yêu cầu cải cách của chúng ta gắn liền với việc tăng cường ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, cải cách năng xuất trong nền kinh tế. Để bắt kịp và tiến cùng với thế giới trong tiến trình mới, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Theo đó, tôi cho rằng, một khía cạnh vô cùng quan trọng liên quan tới pháp luật về sở hữu trí tuệ là bảo hộ và khai thác hợp lý các tài sản về sở hữu trí tuệ. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm tạo động lực gia tăng để các cá nhân, doanh nghiệp nhiên cứu các tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, câu hỏi rất cấp bách là hiện nay là Việt Nam có nên sửa đổi theo đúng các nội dung, lộ trình cam kết hay cần có những quy định rộng hơn trong sửa đổi để bảo đảm khung pháp lý đủ mạnh để ổn định cho vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ trong giai đoạn tiếp theo…”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.