Báo Hòa Bình - Những miền ký ức đẹp

Báo Hòa Bình (BHB) được thành lập và xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 2/9/1962. Gần 60 năm qua, mỗi giai đoạn phát triển đều gắn liền với những miền ký ức thật đẹp. Ở đó, có những địa danh và con người đã đi vào lịch sử đầy tự hào của BHB.

Tiền thân của BHB là Tờ Tin của phòng Thông tin tỉnh Hòa Bình - đơn vị trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh. Đến tháng 8/1962, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 30-NQ/TƯ chuyển Tờ Tin thành tờ báo của Đảng bộ tỉnh, mang tên BHB. Mới thành lập, trụ sở là ngôi nhà tạm ở khu Đoàn Kết, nay thuộc phường Phương Lâm (TP Hòa Bình). Những số báo đầu tiên đã ra đời trong một ngôi nhà tạm, nơi có vài cán bộ, phóng viên đầu tiên của BHB đã cùng nhau vượt khó, vượt khổ để làm báo, cố gắng duy trì phát hành 10 ngày/kỳ. Khi đó, tờ BHB sơ khai có 4 trang, in tipô trên giấy khổ 29x42 cm.

Hoạt động sơ khai đến tháng 5/1964, Tỉnh ủy Hòa Bình mới bổ nhiệm Ban Biên tập chính thức, đưa BHB vào hoạt động thường kỳ. Lúc bấy giờ, tập thể tòa soạn có 9 cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên trị sự. Trong điều kiện còn bộn bề khó khăn nhưng báo đã có sự tiến bộ đáng kể, thể hiện ở việc tăng số lượng phát hành, chất lượng nội dung và hình thức được cải thiện qua từng số báo. Đến cuối năm 1965, để đảm bảo BHB được xuất bản đều đặn, Tỉnh ủy quyết định tách một bộ phận của xí nghiệp in Hòa Bình, lập xưởng in báo để báo được chủ động in ấn, xuất bản.

Vào những năm 1970, đội ngũ làm báo BHB có 15 người, có nhà in riêng với cán bộ, công nhân, nhân viên trị sự, nhân viên phát hành. Nhớ lại thời kỳ đó, Tiến sỹ Bùi Ỉnh, nguyên Tổng Biên tập BHB xúc động: "Tôi gia nhập làng báo của BHB ngày 6/1/1970. Đội ngũ khi đó chỉ có 15 người (kể cả bộ phận in báo), điều kiện làm việc rất khiêm tốn nhưng anh em chúng tôi ai ai cũng đều hăng hái, nhiệt huyết. Đặc biệt, trong những năm không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, tỉnh ta là một trong những trọng điểm bắn phá của địch, thị xã (nay là thành phố) Hòa Bình luôn bị cắt điện. Công nhân in báo và CB, PV BHB đã phải thay nhau đạp máy in báo để kịp ra báo đúng kỳ. Nhiều lần khi báo in xong, chui lên khỏi hầm mặt mũi lấm lem trông như công nhân đào than, ai nấy nhìn nhau cùng phì cười…”.

Những miền ký ức đẹp luôn hiện hữu trong tâm trí những người làm báo đầu tiên của BHB. Có những địa danh ngày đó, giờ đã không còn tên trên bản đồ hành chính. Có những con người ngày đó, giờ đã không còn trên thế gian này… Nhưng, những miền ký ức đẹp vẫn cứ trải dài trong tâm khảm những người đang sống. Nhớ lại thời điểm tháng 10/1991, tỉnh Hòa Bình được tái lập (sau 15 năm sáp nhập với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình). Gắn liền với sự kiện tái lập tỉnh, BHB cũng được tái lập với tên gọi như ngày đầu thành lập. Thời điểm đó, BHB chỉ có vẻn vẹn 4 cán bộ từ Hà Đông chuyển lên, trụ sở làm việc chính thức chưa có, cơ quan được tỉnh tạm bố trí tại số nhà 76, khu đồi 79, khu chuyên gia bờ trái sông Đà. Đồng chí Bùi Ỉnh khi đó được đề bạt làm Phó tổng Biên tập thường trực, phụ trách BHB.

"Cơ quan tạm chưa có đủ bàn ghế làm việc, chúng tôi trải chiếu ra sàn nhà mà viết, sửa tin bài, làm ma két… Khó khăn chồng chất, song chúng tôi đều có chung một suy nghĩ: Phải xuất bản báo kịp thời. Với quyết tâm rất cao của lứa cán bộ làm báo đầu tiên tại Đồi 79, ngay ngày 2/10/1991, tức chỉ 1 ngày sau khi tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động, BHB đã xuất bản số báo đầu tiên của thời kỳ tái lập tỉnh” - nguyên Tổng Biên tập Bùi Ỉnh nhớ lại trong bồi hồi xen lẫn tự hào.

Thời gian làm báo tại Đồi 79 (nay thuộc tổ 11, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình) đã trở thành miền ký ức vô cùng đẹp đẽ và sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình thời kỳ đầu tái lập tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Tưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Hòa Bình xúc động kể: Chúng tôi chính thức gia nhập làng báo Hòa Bình tại khu đồi 79, khu chuyên gia. Dấu ấn để chúng tôi trở thành nhà báo chuyên nghiệp cũng từ đây. Dạo đó, khu nhà 4 tầng rộng thênh thang vừa là chỗ làm việc, vừa là nơi ăn ở của cán bộ, phóng viên nhưng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ báo chí hết sức khó khăn. Cả cơ quan chỉ có 1 chiếc máy chữ, 1 máy ảnh chụp phim đen trắng hiệu Pratica, 1 máy Zenit của Nga. Ngoài chiếc xe u-oát làm phương tiện phục vụ cho hoạt động công vụ của cơ quan, thì xe đạp và xe khách là phương tiện chủ yếu của phóng viên khi đi cơ sở, mỗi chuyến đi tác nghiệp thường phải mất từ 3 - 5 ngày... Cơ quan ít người và nghèo nàn phương tiện hành nghề. Duy chỉ có những khát vọng là "giàu có”…

Thật vậy! Kế thừa truyền thống của các thế hệ trước, đội ngũ con người của Báo Hòa Bình hôm nay vẫn luôn "giàu có” về khát vọng vươn lên, về tình yêu với nghề báo và đặc biệt, vẫn luôn "giàu có” bởi những miền ký ức thật đẹp đã nối dài những trang sử tươi sáng của Báo Hòa Bình, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy tự hào khi được công tác tại đây.

Thu Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/168227/bao-hoa-binh-nhung-mien-ky-uc-dep.htm