Bảo kê có vi phạm pháp luật không?

Bảo kê là hành vi bao che cho các hoạt động phi pháp nhằm trục lợi; có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 3 đối tượng để điều tra về hành vi có dấu hiệu bảo kê xây dựng trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Xin hỏi, như thế nào được gọi là bảo kê? Hành vi bảo kê sẽ bị xử lý như thế nào?

Bạn đọc Thanh An

Bộ Công an trả lời: Theo Từ điển tiếng Việt của GS.TS Hoàng Phê, bảo kê (từ lóng) là hành vi bao che, bảo vệ cho những hoạt động phi pháp để trục lợi.

Qua đó, có thể hiểu hành vi bảo kêlà hành vi dùng uy quyền, sức mạnh hoặc vị trí xã hội để bao che, hỗ trợ cho các hoạt động phi pháp (thường là tội phạm, kinh doanh bất hợp pháp hoặc trái đạo đức), nhằm đổi lấy lợi ích cá nhân như tiền bạc, quyền lực hoặc sự phục tùng.

Theo Bộ Công an, các biểu hiện cụ thể của hành vi bảo kê có thể thể hiện qua các hình thức sau:

Bảo kê cho hoạt động phạm pháp, ví dụ bảo kê cho buôn lậu, mại dâm, cờ bạc, tín dụng đen, v.v...; Can thiệp, gây sức ép để tránh bị xử lý, ví dụ can thiệp để không bị kiểm tra, xử phạt; Đứng sau hoặc dung túng cho hành vi sai trái của người khác, ví dụ lãnh đạo bao che cho cán bộ cấp dưới sai phạm; Nhận lợi ích để làm ngơ hoặc tiếp tay, nhận tiền, quà, dịch vụ đổi lại sự làm ngơ trước sai phạm.

Bảo kê không chỉ xuất hiện ở các băng nhóm tội phạm bảo kê cho hàng quán, chợ búa mà còn có thể xảy ra trong cơ quan, tổ chức, các quan chức, người có chức quyền bảo kê cho cấp dưới hoặc doanh nghiệp thân quen. Thậm chí, trong cơ quan công quyền cũng tồn tại tình trạng cán bộ thực thi pháp luật bảo kê cho tội phạm.

Cũng theo Bộ Công an, hậu quả mà hành vi bảo kê đem lại thật sự nghiêm trọng: Làm tha hóa bộ máy nhà nước và cán bộ, đảng viên; Mất niềm tin của nhân dân vào công lý, công bằng; Làm suy yếu pháp luật, tiếp tay cho tội phạm phát triển; Gây thiệt hại kinh tế và xã hội nghiêm trọng.

Hành vi bảo kê là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu hành vi bảo kê có dấu hiệu tội phạm, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với một số tội danh liên quan như:

Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) với hành vi dùng vũ lực, đe dọa để ép người khác nộp tiền "bảo kê".

Tội tổ chức, bảo kê cho hoạt động phạm pháp (Ví dụ: mại dâm, cờ bạc...): Chứa mại dâm (Điều 327); Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322).

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356): cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền để bao che, can thiệp trái phép.

Tội nhận hối lộ (Điều 354): nhận tiền, tài sản để bảo kê, làm ngơ cho sai phạm.

Mức phạt cao nhất của các tội trên là tù chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ vi phạm và bị xử phạt về tội nào.

Ngoài ra, theo Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, một số hành vi có liên quan đến hành vi bảo kê có thể bị xử lý như sau:

Theo điểm b khoản 2 Điều 7, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng. Hành vi này thường xảy ra trong các vụ bảo kê tại địa điểm kinh doanh, quán ăn, bãi xe, chợ...

Theo Điều 26, Điều 28 Nghị định 144/2021, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, dụ dỗ người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội. Nếu hành vi bảo kê có liên quan đến hoạt động mại dâm, cờ bạc...

Ngoài ra, nếu là đảng viên, sẽ bị xử lý kỷ luật theo Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ ra khỏi Đảng nếu bảo kê, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-ke-co-vi-pham-phap-luat-khong-post851184.html