Bảo Lạc nỗ lực triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện Bảo Lạc nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các dự án, đạt được một số kết quả nhất định. Hạ tầng cơ sở nông thôn được đầu tư, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện.

Tuyến đường liên xã Nà Xiêm - Nà Đứa, xã Thượng Hà (Bảo Lạc) được đầu tư, nâng cấp.

Tuyến đường liên xã Nà Xiêm - Nà Đứa, xã Thượng Hà (Bảo Lạc) được đầu tư, nâng cấp.

Ngay từ đầu giai đoạn, huyện ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, ban hành quy chế hoạt động và quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, bộ phận tham mưu giúp việc ban chỉ đạo phù hợp và thống nhất với hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và các văn bản chỉ đạo của huyện. Phân công các phòng, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện phụ trách và giúp đỡ các xã thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. Cấp xã triển khai lấy ý kiến và nhu cầu từ nhân dân trình kế hoạch (KH) giai đoạn và hằng năm gửi cấp huyện để thống nhất tổng hợp KH chung cho toàn huyện; người dân được tham gia từ khâu rà soát đăng ký nhu cầu, lập KH dự án, họp bàn cách thức triển khai thực hiện và được hưởng lợi từ các dự án.

Phòng Dân tộc là cơ quan thường trực CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và các cơ quan được giao trách nhiệm chủ trì dự án, tiểu dự án đã triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện tại các ngành, các cấp trên địa bàn huyện; thông báo công khai về quyết định đầu tư CTMTQG trong giai đoạn, các tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí CTMTQG; các báo cáo theo quy định, xem xét xử lý ý kiến phản hồi của người dân, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cấp cơ sở kịp thời...

Năm 2023, huyện Bảo Lạc được giao hơn 234 tỷ đồng thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Đến ngày 31/12/2023, giải ngân 128,3 tỷ đồng, bằng 54% KH, trong đó, giải ngân 108,8 tỷ đồng vốn đầu tư, bằng 93% KH; 15,5 tỷ đồng vốn sự nghiệp, bằng 13% KH.

Cụ thể, thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, huyện đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng 13 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã, đã giải ngân gần 1,4 tỷ đồng, bằng 84% KH. Với hơn 2,6 tỷ đồng vốn sự nghiệp, huyện đang thực hiện đấu thầu cấp 877 téc nước/ 877 hộ dân nghèo khó khăn về nước sinh hoạt.

Thực hiện Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, huyện đầu tư 18,6 tỷ đồng thực hiện 2 dự án tại xã Hưng Đạo và xã Sơn Lộ, hoàn thành giải ngân 100%.

Huyện đầu tư 65,2 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đã giải ngân 6,9 tỷ đồng, bằng 10,6% KH. Trong đó, đầu tư 20,1 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Tiểu dự án 1 phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp do trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị tư vấn thiết kế nên việc lập thiết kế chậm, không ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng ngay từ đầu năm. Diện tích rừng tại một số xã sau khi đo đạc lại bị giảm, một số diện tích không có rừng nên phải thiết kế lại mất nhiều thời gian; vốn chuyển nguồn năm 2022 rất lớn mà chi trả giao khoán bảo vệ rừng phải tính từ thời điểm hợp đồng mới được thanh toán. Với 41,5 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hiện nay UBND các xã, thị trấn thực hiện 121 dự án phát triển cộng đồng, tuy nhiên vào thời gian cuối năm, nhu cầu mua giống vật nuôi cấp phát cho nhân dân khan hiếm, giá thành cao.

Thực hiện Dự án 4 về đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập, huyện đầu tư 67,7 tỷ đồng triển khai tiểu dự án 1 thực hiện đầu tư 80 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, đã giải ngân 63,5 tỷ đồng, bằng 94% KH. Giao các xã làm chủ đầu tư thực hiện 6,2 tỷ đồng vốn sự nghiệp để duy tu sửa chữa nhỏ các công trình đã được đầu tư từ giai đoạn trước, giải ngân gần 2,5 tỷ đồng, bằng 40% KH.

Thực hiện Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư 11,1 tỷ đồng xây dựng 10 công trình các trường THPT, THCS, tiểu học..., giải ngân 11 tỷ đồng, bằng 99% KH.

Nhà hiệu bộ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Khánh Xuân (Bảo Lạc) được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.

Nhà hiệu bộ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Khánh Xuân (Bảo Lạc) được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.

Thực hiện Dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, huyện đầu tư gần 1,4 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 công trình điểm đến du lịch tiêu biểu, giải ngân hơn 1 tỷ đồng, bằng 76% KH. Với 595 triệu đồng vốn sự nghiệp, cơ quan chủ trì thực hiện xong 2 dự án: Tổ chức Ngày hội văn hóa Chợ tình Phong lưu huyện Bảo Lạc; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS, giải ngân được 109,2 triệu đồng.

Thực hiện Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, giải ngân hơn 183,2 triệu đồng, bằng 33% KH. Nguyên nhân giải ngân đạt thấp là theo quy định cấp huyện chỉ được thực hiện 2 nội dung: Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản và hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm.

Triển khai Dự án 8 thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em hiện mới giải ngân 445 triệu đồng nguồn vốn sự nghiệp, bằng 17% KH. Lý do giải ngân thấp cơ quan chủ quản thẩm định phê duyệt dự toán chậm, nhân lực ít, chưa đáp ứng được yêu cầu theo KH đề ra.

Thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 9) về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, chủ đầu tư đôn đốc đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 dự án chuyển tiếp từ năm 2022 và đầu tư 12,5 tỷ đồng triển khai 13 công trình tại 5 xóm người Lô Lô thuộc 3 xã trên địa bàn huyện, giải ngân 12,9 tỷ đồng, bằng 84% KH. Với 10,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp năm 2023 thực hiện dự án Tiểu dự án 1, hiện nay vẫn chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể. Phòng Dân tộc đang triển khai đầu tư 467 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 9) về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN.

Dự án 10 đã giải ngân 1,6 tỷ đồng/47,7 tỷ đồng, bằng 3% KH. Trong đó, huyện đầu tư 1,13 tỷ đồng thực hiện tiểu dự án 2 (Dự án 10) về ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã.

Thời gian tới, huyện Bảo Lạc quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chủ trì dự án, UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình thuộc các CTMTQG trên địa bàn huyện nhằm giải ngân có hiệu quả các nguồn vốn theo KH giao, nhất là nguồn vốn kéo dài sang năm 2024, vốn chuyển nguồn để đảm bảo hấp thụ tối đa các nguồn vốn, hạn chế thấp nhất tình trạng mất vốn. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tích cực tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả chương trình.

Tăng cường sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Chỉ đạo các cơ quan thường trực chương trình tiếp tục rà soát nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn việc thực hiện CTMTQG để kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung sớm ban hành các văn bản hướng dẫn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Cương đề xuất tỉnh tiếp tục có ý kiến với Trung ương sớm tháo gỡ đối với việc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện đã thực hiện nội dung sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị; đồng thời bổ sung đối tượng trung tâm trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng kinh phí để thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị; cho phép mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình (thêm hộ mới thoát nghèo, hộ thoát nghèo).... Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn trong việc đầu tư thiết lập mới, nâng cấp, mở rộng đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại các xã trên địa bàn huyện. Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn nội dung chương trình tập huấn phù hợp với các đối tượng cấp xã, thôn bản.

Minh Ngọc

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-lac-no-luc-trien-khai-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-3167462.html