Bao lâu nên nội soi để phát hiện sớm ung thư đại tràng, dạ dày

Ung thư dạ dày, đại tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa dễ gặp ở Việt Nam. Nội soi đường tiêu hóa là cách phát hiện sớm nhất ung thư dạ dày, đại tràng cũng như các loại ung thư đường tiêu hóa khác.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh lý mang tính di truyền như đa polyp hoặc các bệnh lý ung thư dạ dày, đại tràng, ung thư đường tiêu hóa khác thì nên tiến hành nội soi tầm soát như sau:

- Khi bạn đủ tuổi vị thành niên có thể tiến hành tầm soát, nếu không phát hiện vấn đề gì bất thường thì năm sau tiếp tục tầm soát 1 lần nữa rồi duy trì nội soi định kỳ 5 năm/lần.

- Nếu trong lần khám đầu tiên phát hiện một số bệnh lý như viêm dạ dày mạn tính, dị sản ruột thì cần tái khám 1 năm/lần.

- Ngoài ra những người trên 40 tuổi nên đi tầm soát thường xuyên, đặc biệt những người có bệnh lý về dạ dày, đại tràng, người thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, ăn nhiều đồ chiên xào cay nóng, người ít vận động…

Hoặc khi thăm khám định kỳ, bệnh nhân có thể nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về lịch thăm khám tầm soát.

Nội soi là cách phát hiện sớm ung thư dạ dày, đại tràng và các loại ung thư đường tiêu hóa khác hiệu quả.

Nội soi là cách phát hiện sớm ung thư dạ dày, đại tràng và các loại ung thư đường tiêu hóa khác hiệu quả.

Dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày sớm

Khi mắc ung thư dạ dày, người bệnh có thể gặp một số biểu hiện như:

- Ợ hơi, ợ chua thường xuyên.

- Có cảm giác đau âm ỉ tại vùng thượng vị.

- Sau khi ăn thường thấy đau bụng.

- Buồn nôn, khó tiêu nhưng không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm của ung thư dạ dày thường chưa có biểu hiện rõ ràng, những dấu hiệu nêu trên đều rất mơ hồ. Đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, người bệnh sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, thiếu máu và sút cân. Thậm chí nhiều người bệnh có thể nôn ra dịch xuất huyết và đại tiện phân đen.

Ung thư dạ dày sống được bao lâu? Nếu được phát hiện sớm, ung thư dạ dày có thể điều trị khỏi bằng nhiều phương pháp và tỷ lệ thành công cao. Trong những trường hợp bệnh chưa di căn có thể áp dụng nội soi để cắt bỏ khu vực niêm mạc tổn thương. Nếu bệnh ở giai đoạn muộn có thể áp dụng nhiều phương pháp điều trị như nạo vét hạch, hóa trị, xạ trị… Các bác sĩ sẽ tùy vào giai đoạn bệnh, đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân… để đưa ra các phương án điều trị phù hợp.

Ung thư dạ dày và ung thư đại tràng hiện nay chiếm tỷ lệ cao trong ung thư đường tiêu hóa.

Ung thư dạ dày và ung thư đại tràng hiện nay chiếm tỷ lệ cao trong ung thư đường tiêu hóa.

Ung thư đại tràng có biểu hiện gì?

Ung thư đại tràng là loại ung thư thường gặp thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau ung thư phổi. Ở giai đoạn đầu bệnh tiến triển âm thầm và chưa gây ra các triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh ở giai đoạn muộn hơn người bệnh có thể gặp một số biểu hiện như:

- Rối loạn đại tiện: ngày đi nhiều lần.

- Tính chất phân thay đổi: lúc phân nát lúc phân lỏng thậm chí có thể có nhầy máu

Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn thành rối loạn tiêu hóa khiến người bệnh chủ quan và không thăm khám. Khi bệnh có những biểu hiện như gầy, sút cân, đi ngoài ra máu… thường đã ở giai đoạn muộn.

Ung thư đại tràng sống được bao lâu? Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, có thể chữa khỏi lên đến 90%. Bệnh phát hiện ở giai đoạn càng muộn thì tỷ lệ chữa khỏi càng thấp và tỷ lệ sống trên 5 năm cũng xuống thấp. Việc người bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu phụ thuộc vào các yếu tố như: thể trạng người bệnh, giai đoạn bệnh, khả năng đáp ứng điều trị…

ThS.BS Nguyễn Huy Du

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-lau-nen-noi-soi-de-phat-hien-som-ung-thu-dai-trang-da-day-169241027164442663.htm