Báo lỗ gần nghìn tỷ, Giám đốc Grab hứa sẽ nộp thuế đầy đủ
Ông Anthony Tan, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập công ty Grab khẳng định với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thực hiện nộp đầy đủ thuế trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam vừa qua.
Tại buổi tiếp xúc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại trụ sở Chính phủ chiều 2/10, ông Anthony Tan, Giám đốc công ty taxi công nghệ lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam khẳng định như trên.
Vấn đề nghĩa vụ nộp thuế của các hãng gọi xe công nghệ ở Viêt Nam nói chung và Grab nói riêng là một trong những chủ đề gây tranh cãi thời gian qua. Đối với Grab, có hai vấn đề nổi cộm là nghi vấn trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và việc xác định có hay không nghĩa vụ của Grab đối với khoản nợ thuế 53,3 tỷ do Uber để lại.
Đối với nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, vài năm qua do liên tục báo lỗ “khủng” nên doanh nghiệp ngoại này đã không phải nộp hoặc nộp số tiền rất nhỏ so với các hãng taxi truyền thống.
Cụ thể, số liệu báo cáo của Grab cho biết tổng doanh thu các năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỷ đồng. Số thuế đã kê khai nộp là 9,535 tỷ đồng.
Theo thông tin từ hiệp hội Taxi Hà Nội, riêng năm 2016 Grab đạt doanh thu 192 tỷ đồng, báo lỗ 443 tỷ. Với hoạt động kinh doanh lỗ, Grab Việt Nam không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số thuế của Grab năm 2016 (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài) nộp cho ngân sách Nhà nước là 5,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, số thuế của Uber được công bố hồi tháng 3/2018 vừa qua nộp khoảng 40 tỷ đồng, gấp 30 lần số thuế phải nộp của Grab.
Số liệu từ tổng cục Thuế (bộ Tài chính) cũng cho biết, Grab có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng kể từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 2/2014 tới thời điểm giữa năm 2017.
Bình luận về con số lỗ “khủng” 938 tỷ đồng này của Grab, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) từng nhận định trước diễn đàn Quốc hội rằng rất có thể đây là hành vi trốn thuế.
Gần đây nhất, trong văn bản gửi Bộ trưởng bộ Tài chính, Tổng cục trưởng tổng cục Thuế để cung cấp thông tin về nghĩa vụ thuế, Grab cho biết sẽ đóng khoảng 500 tỷ đồng tiền thuế cho kỳ thuế năm 2018.
Công ty này cũng cung cấp thông tin, 7 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng số thuế là 224 tỷ đồng tại chi cục Thuế quận 10 (TP.HCM).
Về vấn đề Uber sau khi bị mua lại bởi Grab đã “để lại” khoản nợ thuế 53,3 tỷ đồng ở cục Thuế TP.HCM, trong tuyên bố của ông Anthony Tan tại buổi tiếp chiều qua và trong văn bản gửi bộ Tài chính vừa rồi đều không được Grab đề cập tới.
Trước đó, hãng này cho biết không liên quan đến khoản tiền thuế trên vì cho rằng đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber. Grab khẳng định chỉ mua lại mảng kinh doanh chứ không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó không có trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế của Uber với cơ quan thuế.
Cũng tại buổi tiếp xúc chiều 2/10, ông Anthony Tan đề xuất với Chính phủ Việt Nam các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam như đã nêu với Chính phủ Việt Nam tại WEF-ASEAN. Theo đó, Grab muốn pháp luật cho phép mở tài khoản ví điện tử mà không phải kết nối với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cho phép các đơn vị thanh toán như các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ lập tài khoản ví điện tử, cho phép nạp tiền và Chính phủ Việt Nam sớm cho phép áp dụng tính năng nhận diện khách hàng trực tuyến (e-KYC tức là khách hàng không phải trình diện tại ngân hàng để giao dịch).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ luôn ủng hộ và đã có các quy định của pháp luật để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo đảm an toàn tài chính, phòng chống rửa tiền, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện tới Chính phủ.