Bảo Lộc – Như đã dấu yêu
Khách du lịch bốn phương tám hướng, tứ hải bát hoang chỉ đến Đà Lạt, mà gần như không biết có một 'Vương quốc trà hương' tồn tại, hoặc chỉ thoáng qua với cái nhìn thờ ơ, lạnh nhạt.
Bảo Lộc - hay B’lao buồn bã, lặng lẽ nghiêng mình năm dài, tháng tận, ngày miên man, ngắm nhìn khách lướt qua trong lãng quên nhạt nhòa.
Khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết “Gió qua đồi Phương Bối” của nhà văn Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, đã rất ấn tượng đến nghi ngờ ở vài đoạn trong chương đầu miêu tả thành phố Bảo Lộc khi bình minh, lúc hoàng hôn đẹp như trong một ảo cảnh huyền bí đầy tiên khí và linh diệu. Và rồi, như một mách bảo vũ trụ nhiều ẩn dụ, tôi đã có một cuộc “du thám” bất ngờ trong 45 giờ miền đất có cái tên xưa là B’lao, ở độ cao 900m so với mực nước biển, nằm trọn trên cao nguyên Di Linh - theo tiếng của người Cơ Ho, cư dân gốc ở đây, nghĩa là “Vương quốc trà hương” đầy huyền thoại.
B’lao là tên gọi cũ của Bảo Lộc. Từ năm 1920 tên gọi này bao gồm từ Bảo Lâm, Bảo Lộc kéo dài đến tận một phần của huyện Định Quán, rộng đến 281.186 ha. Án ngữ phía nam thành phố là dãy núi dài hùng vĩ có tên là Đại Bình với đỉnh Sa Pung cao đến 1100m. Từ ngọn núi này, phòng tầm mắt ôm trọn cả màu xanh của rừng núi đại ngàn, của những đồi trà xanh thoai thoải, của những thác nước thiên nhiên hùng vĩ, và của cả sự yên bình ấm áp của những buôn làng tộc người Mạ, K'ho...
Bảo Lộc là một thành phố nhỏ ở phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, nằm trên trục Quốc lộ 20, cách TP Hồ Chí Minh gần 200km hướng Tây Nam, từ trung tâm cách Đà Lạt hơn 100km về hướng Bắc, cách Phan Thiết và Dầu Giây hơn 120km theo Quốc lộ 55 và 20.
Đèo Bảo Lộc, con đèo đẹp như tranh sơn thủy, quanh co uốn khúc, trập trùng, mê mải, thoai thoải dốc lên dốc xuống, dập dờn như những nhịp yêu đầy gợi cảm mê hoặc với những khu rừng hỗn giao, xen lẫn giữa rừng cây nhiệt đới lá rộng và rừng ôn đới lá kim, tạo thành từng khoảng tranh sáng tranh tối chỗ đậm chỗ nhạt, nhưng lại thật hòa hợp như một giai điệu phức hợp của bản giao hưởng tuyệt mỹ của màu xanh.
Bảo Lộc đặc biệt có kiểu thời tiết nắng ít mưa nhiều, không khí luôn mát như kem, nên thành phố giống ẩn mình trong sương trong mây suốt năm, tạo nên nhiều khung cảnh lãng đãng thần tiên, mà có lẽ chỉ dành cho những ai dừng lại lâu thành phố này mới cảm nhận hết vẻ phiêu dật của mưa, vẻ hư ảo của sương, sự lộng lẫy của hoàng hôn hay bình minh.
Bảo Lộc chào tôi bằng một cơn mưa chiều đến nhanh bất ngờ, đẹp siêu thực, hạt mưa hình như rất dài, giống một sợi dây mảnh trong suốt mát lạnh, đan nhau như một màn nước uốn lượn mềm mại theo từng cơn gió, giống như trong một điệu luân vũ kỳ ảo. Và mưa tạnh cũng nhanh và bất ngờ như khi đến, để rồi giống như đưa tôi vào một thế giới nửa hư nửa thực bao bọc mịt mùng sương tím nhạt từ đâu đó trên không đổ xuống, giơ tay hứng, cảm giác sương đang đậu trên lòng bàn tay, rồi từ từ khép các ngón tay lại nắm chút sương lành lạnh tan dần.
Cứ ngỡ trời sẽ tối khi màn sương tím đậm hơn, thì bỗng dưng cả bầu trời rực rỡ ửng màu nắng hồng ngọc, Bảo Lộc đã chiêu đãi tôi một hoàng hôn lộng lẫy tuyệt đẹp. Ánh mặt trời cuối cùng của ngày như dát vàng lên những mái nhà, ngọn thông, và cả dãy núi xa tít, tạo nên khung cảnh diễm lệ của thời khắc giao nhau giữa ngày và đêm mê mị.
Nhưng đó chưa phải là hết. Tôi đã được đi “săn mây” khi bình minh Bảo Lộc đang còn e ấp thả một vài tia nắng mảnh xuyên qua màn sương mờ đục ở Đồi Mây. Một vẻ đẹp huyền hoặc đến mê mẩn khi trước mặt là cả một biển mây chập chùng bồng bềnh màu trắng như tuyết đọng, cuộn từng lớp nhấp nhô xô dạt như sóng mây trườn nhẹ xuống thung lũng núi đồi.
Và khi mặt trời vén biển mây để vượt lên cao, hắt những ánh vàng mượt như tơ lụa nõn, một hừng đông đẹp như tiên cảnh trong các phim thần thoại cổ tích, cả biển mây trắng sữa loang dần sắc hồng mịn mượt. Rồi như có phép thần, biến ảo thành từng cụm mây ngũ sắc, có chút ảo giác, hình như là xiêm áo thần tiên đang trong vũ điệu phong vân uốn lượn dập dìu trên nền âm thanh ríu rít tiếng chim hót, tiếng gió đùa…
Tôi đã được nghe huyền thoại thiên tình sử ở vùng Bảo Lộc mang tên “Đợi Chờ”- Là con thác Dambri huyền bí, vừa mềm mại như một dải lụa khổng lồ bất tận vừa kiêu hùng như một tấm chắn nước mạnh mẽ bất phàm trong khu rừng nguyên sinh ẩn chứa bao điều kỳ ảo. Con thác rộng 30m ở độ cao 70m, thả những khối nước trắng xóa, bắn hàng triệu triệu giọt nước li ti tạo thành cơn mưa khói bao phủ cả khỏng gian rộng từ đỉnh thác đến chân thác không bao giờ ngưng, vào mùa mưa này, càng phô diễn hết vẻ đẹp vừa hoang dã vừa kỳ vĩ.
Đi từ trung tâm thành phố Bảo Lộc về hướng Tây khoảng 18km, tới thôn 14, xã Dambri, ngay từ xa đã nghe tiếng ào ào trong giai điệu nước, tạo thành nền âm thanh miên man rền vang cả cánh rừng. Người K’ho tại Bảo Lộc kể rằng, ngày xa xưa, có nàng sơn nữ đã ngồi đợi người yêu sau cuộc chia ly đầy ngang trái bởi cách ngăn sắc tộc. Trải qua bao mùa lúa chín trên rẫy, bao con trăng tròn lại khuyết, nàng vẫn đợi vẫn chờ, mà người yêu thì biền biệt. Nước mắt đợi chờ của nàng qua năm qua tháng đọng lại tạo thành dòng thác Dambri, tiếng K’ho có nghĩa là “đợi chờ”.
Đến thác Dambri vào chiều muộn, mặt trời đã nghiêng một góc chéo thấp gần chạm đỉnh núi xa, bầu trời cao nguyên như thấp xuống trong màu xám. Vì muốn ngắm thác trong khi còn nắng nên tôi không leo 138 bậc thang xuống mà đi bằng thang máy. Tới chân thác, quả thật là một cảm giác rất khó diễn tả, con thác như một dòng sáng bạc trắng lóa đổ xuống, và lơ lửng khoảng giữa thác, hơi nước được gió tiếp sức bay như một màn sương nước, trong ráng chiều chiếu vào, màn sương nước lấp lánh sắc cầu vồng đẹp phiêu ảo ma mị đến ngây ngất.
Bảo Lộc, xứ được mệnh danh là “Vương quốc trà hương”, với những thương hiệu trà nồi tiếng như: Thiên Hương, Bảo Tín, Thiên Thành, Quốc Thái, Hương Kim Thảo…, mà không đến các trà thất hay các quán café thì thiếu mất một góc thành phố này. Thời gian lưu lại không nhiều nên tôi cùng các bạn đi cùng nhóm quyết định chọn “Đôi Dép”, bởi đây là một nhà hàng trà - café theo mô hình 4.0, không chỉ có dàn tiếp viên xinh đẹp, thân thiện, lễ phép, chu đáo, ấm áp mà còn có mấy tiếp viên robot xinh xắn phục vụ.
Thật sự là trải nghiệm thú vị, không chỉ café và các thức uống mang màu sắc hương vị thiên nhiên, cây trái được trình bày như một tác phẩm sắp đặt - pha chế đẹp mắt, mà tôi còn được thử nghiệm pha trà theo phong cách trà đạo Việt, trà đạo Nhật, Trung Hoa, với đầy đủ trà cụ và được hướng dẫn từng khâu đoạn pha trà, từ trà ô long - đặc sản của Bảo Lộc đến trà mộc, trà hoa…
Trong không gian rất chill phảng phất nửa xưa nửa nay này, nhấp chén trà tự tay mình pha, mông lung ngược về thời gian, một Bảo Lộc phẳng lặng đầy những tự tình, một Bảo Lộc mơ trong từng câu thơ, tình trong từng mảnh hồn nhạc, một Bảo Lộc là nơi nuôi dưỡng, dừng chân nhiều văn nhân tài tử, nhiều kỳ nhân dị nhân. Điểm danh, có nhà văn Kinh Dương Vương, Ngụy Ngữ, họa sĩ Rừng, nhà thơ Hạc Thành Hoa, Hồ Ngạc Ngữ, Hoàng Ngọc Châu, đặc biệt nhà thơ “dị nhân” Nguyễn Đức Sơn ở khu rừng thông Phương Bối “Tuyệt tình cốc”, hay nà nghiên cứu Trần Xuân Kiêm, nhà dịch thuật Tôn Nữ Phùng Thăng, Phùng Khánh…
Và một nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn có 3 năm ở Bảo Lộc, với 108 bức thư gửi từ Bảo Lộc đến nàng thơ Ngô Vũ Dao Ánh ở Huế, và nơi này đã mang cảm hứng cho ông sáng tác các ca khúc “để đời”: Tập ca khúc Da Vàng, Gia tài của mẹ, Đàn bò vào thành phố, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng, Tiếng hát Dạ Lan, Vết lăn trầm, Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh, Cát bụi, Còn tuổi nào cho em, Xin trả nợ người, Mưa hồng, Tuổi đá buồn...
Bảo Lộc còn là xứ lụa tơ tằm hơn trăm năm nay, và được xem là Thủ phủ của Tơ lụa Việt Nam hiện nay. Lụa nhẹ mà quấn quýt, lụa nặng nhưng không tuột khỏi tay, lụa mềm mại cho uyển chuyển gót sen ai, lụa mỏng manh để người thương kẻ quý, lụa mong manh để luôn được gượng nhẹ yêu chiều, lụa kín đáo thâm trầm thanh khiết, lụa thướt tha e ngại xôn xao, lụa kiêu hãnh sánh ngang cao sang, lụa dịu dàng tan chảy bao mạnh mẽ…
Đến Bảo Lộc mà bỏ qua những cảm nhận về lụa là một thiếu sót tình cảm với thành phố này. Những thương hiệu lụa của Bảo Lộc đã như một lưu dấu với các đam mê lụa của quý cô quý bà: Silk Việt, SenSilk, Silk Phương Mai, Hà Đô, Minh Quân… Và nhất định trong số quà lưu niệm mang về từ Bảo Lộc sẽ có ít nhất một mảnh khăn lụa mềm mại.
Bảo Lộc còn một sự hấp dẫn níu kéo thương nhớ đến khó quên là những khu vườn sầu riêng và bơ, mà vào lúc này đang chính mùa trái chín. Bảo Lộc vốn được mệnh danh mảnh đất trù phú, được thiên nhiên ưu ái cũng là nơi tiềm năng thuộc tỉnh Lâm Đồng, nên trái Sầu riêng, bơ cũng là một loại đặc sản đặc trưng đang được xây dựng là sản phẩm OCOP mang lại giá trị kinh tế cao cho vùng này.
Những trái sầu riêng Ri6 chín cây, chủ vườn hay đợi đêm nghe sầu rụng, để sáng ra, lượm trái, dành trái ngon đó để khách thưởng thức. Cái vị sầu riêng chín rụng nó ngọt, thơm “nhức răng”. Múi sầu cắn vào gần như không thấy hột, vị béo ngọt bùi thơm sau khi ăn sầu vẫn như bám dính vào tay vào tóc, vương đầu môi, để vừa mới ăn xong lại thèm.
Còn bơ, Bảo Lộc có lẽ sau này thêm một nick: “Vương quốc bơ”. Không chỉ là những dòng bơ 034 trái dài hột lép bùi béo, mà còn những giống bơ hảo hạng như: Booth, Hass, Fuerte, Reed, những giống bơ ngon du nhập từ Mỹ và Mexico vào Việt Nam.
Và chúng tôi đã có một tiệc trái bơ đúng nghĩa, từ sinh tố bơ, bơ dầm sữa, đến kem bơ, bánh trung thu rau câu bơ, thạch bơ, chè bơ, bánh bích quy kem bơ, pudding trái bơ, sorbet trái bơ và các món mặn như khai vị salad trái bơ, bông cải luộc sốt trái bơ, súp tôm trái bơ, pasta sốt tôm bơ, bánh mì phết sốt bơ trứng…, đặc biệt món ăn chay là chả giò cuốn trái bơ…
45 giờ đến với Bảo Lộc, chỉ là một thoáng thôi, chưa đủ “đã”, chưa đủ để “nhâm nhi”, thưởng thức cho thỏa những vẻ đẹp lặng lẽ mà tuyệt mỹ của miền đất huyền thoại cao nguyên Di Linh này. Nhưng chỉ cần thế thôi, đã như dấu yêu sương mưa Bảo Lộc, đã như gừi lại lời hẹn hò, để sẽ gặp lại không chỉ một lần.
Hoài Hương
Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//du-khao/bao-loc-nhu-da-dau-yeu-c14a57465.html