Bão lũ đi qua, tình người ở lại, người làm báo trưởng thành hơn

Bão số 3 kèm theo mưa, lũ có sức tàn phá khủng khiếp, hoành hành khắp các tỉnh miền Bắc. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, đặt mục tiêu tính mạng người dân là trên hết, cả hệ thống chính trị tỉnh Bắc Giang đã khẩn trương vào cuộc. Sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, quân và dân trong tỉnh, những người làm báo Báo Bắc Giang không ngại vất vả, hiểm nguy, chạy đua với thời gian đưa thông tin kịp thời đến bạn đọc.

Cuộc chiến sinh tử

Bão số 3 có cường độ rất mạnh, kèm theo mưa lớn, tiếp theo là lũ lớn gây hậu quả nặng nề ở các tỉnh miền Bắc. Hàng chục năm qua, người dân Bắc Giang mới chứng kiến đợt bão lũ lớn như vậy. Gió rít liên hồi làm nhiều ngôi nhà tốc mái, đổ tường; lũ lên nhanh đe dọa an toàn các tuyến đê. Có thời điểm, toàn tỉnh có hơn 30 thôn bị cô lập giữa mênh mang biển nước. Cuộc chiến sinh tử với trận cuồng phong, “giặc nước” vô cùng cam go. Với phương châm giữ an toàn tính mạng người dân là trên hết, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi ở, Bắc Giang đã kịp thời kích hoạt các kịch bản ứng phó. Vùng bị nước lũ cô lập luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm.

 Phóng viên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang tác nghiệp tại thị xã Việt Yên.

Phóng viên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang tác nghiệp tại thị xã Việt Yên.

Xã Vân Hà, thị xã Việt Yên nằm ven sông Cầu. Dù sống ở vùng sông nước nhưng nhiều người vẫn không khỏi bất ngờ bởi lũ năm nay lên cao và kéo dài. Nước ngập lưng chừng nh ngôi nhà, có chỗ gần mấp mé mái. Nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy bao quanh xóm, làng như muốn nhấn chìm tất cả. Muốn đến xã chỉ có thể sử dụng xuồng, thuyền. Giữa thời điểm lũ lớn, ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, phòng, chống lụt bão tại Vân Hà; thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với cán bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Sự ân cần, quan tâm của người đứng đầu Chính phủ khiến ai cũng ấm lòng.

Lũ cứ lên và mưa không ngừng rơi, mức độ ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vẫn vô cùng nguy hiểm. Trong tình cảnh khó khăn nhất, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác đã được huy động. Cùng với nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong nước, bất chấp hiểm nguy, lao vào tâm lũ để bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào. Nhiều chiến sĩ đã thức trắng đêm, đội mưa gió, đối diện với nguy cơ lũ cuốn trôi, sạt lở đất để đưa hàng cứu trợ đến tay người dân, luôn đặt tính mạng, sự an toàn của bà con lên hàng đầu.

Cuộc chiến đang “căng như dây đàn” ở khắp các huyện, thị xã thì chiều tối 12/9, sự cố bể xả Trạm bơm Cống Bún ở TP Bắc Giang được phát hiện. Đây là sự cố rất nghiêm trọng, nếu vỡ bể xả cũng ngang với vỡ đê sông Thương, hậu quả khôn lường. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường và huy động quân đội là lực lượng nòng cốt xử lý sự cố. Trong tình thế gian nguy ấy, mọi việc đều hết sức khẩn trương, tranh thủ từng phút, từng giờ. Ai nấy đều xúc động trước hình ảnh quả cảm của bố con “người nhái” Nguyễn Văn Lúa, Nguyễn Văn Hai (xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang) liên tục mấy giờ lặn sâu trong nước xoáy để đóng cho được cánh cống. Biết bao người sau một đêm không ngủ, với những quyết định “cân não”, sự cố bể xả Trạm bơm Cống Bún được khắc phục, góp phần bảo vệ an toàn cho hàng nghìn hộ dân trong khu vực và đặc biệt là các khu công nghiệp của tỉnh.

Khơi dậy sức mạnh của nhân dân

Sau khi bão số 3 quét qua, tin lũ dâng bắt đầu được ghi nhận ở 2 huyện miền núi, vùng cao là Lục Ngạn và Sơn Động. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ huy công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn; triển khai ngay các giải pháp cấp bách tại đây. Tiếp sau là lũ dồn về ở hầu hết các huyện còn lại trong tỉnh, ngập nặng là Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, Yên Dũng… Tinh thần vượt lũ diễn ra khẩn trương ở khắp nơi. Có thời điểm ngay trong đêm hàng trăm hộ dân ở xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa được di chuyển đến nơi tránh lũ an toàn. Ở một số địa phương, các lực lượng xuyên đêm khắc phục sự cố tràn đê, bảo đảm an toàn giao thông, khôi phục nguồn điện, thông tin liên lạc. Các hoạt động cứu trợ cho các địa bàn bị nước lũ chia cắt được đặc biệt quan tâm.

 Phóng viên Báo Bắc Giang tác nghiệp trong mùa lũ tại xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang).

Phóng viên Báo Bắc Giang tác nghiệp trong mùa lũ tại xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang).

Ở "mặt trận" nào những người làm báo Báo Bắc Giang cũng đều có mặt để phản ánh kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự hiệp đồng ứng phó khẩn trương, tinh thần quả cảm, tình nghĩa đồng bào, tương thân tương ái, chung tay vượt qua khó khăn trong bão lũ.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thật cảm động khi phóng viên Báo Bắc Giang được anh Phạm Đăng Nên ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) chia sẻ: Nhà có trang trại lợn nên có sẵn nhiều bao tải. Nghe tin xã Đồng Sơn cần hỗ trợ, không quản ngại đường xa, gia đình đã dùng ô tô vận chuyển 1,5 nghìn chiếc bao tải đến tận nơi để lực lượng chức năng đựng cát, vật liệu phục vụ khắc phục sự cố tại Trạm bơm Cống Bún. Tấm lòng của anh Nên và hàng trăm người dân khác cùng lo việc chung càng thêm củng cố, tạo nên sức mạnh lòng dân trong phòng, chống lụt bão.

Cũng thật xúc động khi thấy những chuyến xe chở hàng cứu trợ hướng về Bắc Giang trong cơn mưa xối xả. Trong lúc khó khăn, nhiều người đã thực hiện chuyến xe “không đồng”, thâu đêm gói bánh chưng, làm bất kể những gì có thể để gửi gắm tấm lòng mình đến bà con vùng lũ. Còn rất nhiều những hình ảnh, việc làm thấm đẫm tình người trong bão lũ chẳng thể nào kể hết. Bão lũ đi qua, tình người ở lại, qua đó càng thêm hun đúc truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam về tinh thần đoàn kết, sự tương trợ, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức"

Trong suốt một tuần cao điểm, những thông tin về bão lũ, công tác khắc phục sự cố, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân đã tạo thành vệt, điểm nhấn trong công tác tuyên truyền trên Báo Bắc Giang. Kết quả đã phản ánh đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống trận bão lũ lịch sử này với hàng trăm tác phẩm. Từ ngày 5/9 đến 15/9, lượng truy cập Báo Bắc Giang điện tử đạt hơn 830 nghìn lượt, có thời điểm gần 7.000 lượt bạn đọc cùng truy cập, góp phần thông tin kịp thời đến cán bộ nhân dân về công tác phòng, chống lụt bão, động viên các lực lượng vượt lên khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chống chọi với trận bão lũ lịch sử, Bắc Giang thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định: Để hạn chế thiệt hại thì cần có phương án đề phòng từ trước, tức là không đợi bão về, không đợi có lũ mới lên kịch bản, phương án. Quan trọng là phải có kịch bản, phương án từ trước và phải được diễn tập để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp biết. Phải thực hiện thật tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà phải biến thành việc làm nhuần nhuyễn.

Sau đợt tuyên truyền về công tác phòng, chống bão số 3, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Bắc Giang trưởng thành hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn. Để có được kết quả đó, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Biên tập, tạo sự thống nhất trong công tác tuyên truyền; phân công rõ người, rõ việc; sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, các bộ phận và trên hết là tinh thần tận tâm, trách nhiệm với công việc được giao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào của những người làm báo. Trong khâu xử lý thông tin đăng tải đã phát huy tốt thế mạnh của mô hình tòa soạn hội tụ, trên báo điện tử có thể cập nhật thông tin trực tuyến một cách nhanh nhất; trên báo in phản ánh những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng lan tỏa các tác phẩm báo chí qua mạng xã hội, giúp đưa thông tin đến với đông đảo bạn đọc gần xa.

Hậu quả của bão số 3 và hoàn lưu sau bão rất nặng nề, còn nhiều việc mà cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong tỉnh phải tiếp tục thực hiện, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Bắc Giang tiếp tục đồng hành, sát cánh để tuyên truyền kịp thời. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sau trận bão lịch sử, người làm báo thu được nhiều bài học quý về nghiệp vụ nhưng điều ý nghĩa hơn, nâng bước cho mỗi nhà báo là tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ. Đó chính là điểm tựa, sự nuôi dưỡng cho tình yêu nghề, trách nhiệm với nghề, xứng đáng là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, luôn “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”

Trịnh Lan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-lu-di-qua-tinh-nguoi-o-lai-nguoi-lam-bao-truong-thanh-hon-075832.bbg